Quảng Ngãi: Xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường
(TN&MT) - Quảng Ngãi đang trong giai đoạn tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đặt ra trong việc bảo vệ môi trường gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ góp phần giúp địa phương giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Khu kinh tế (KKT) Dung Quất được xác định là động lực của nền kinh tế, tạo bệ phóng thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và tăng thu ngân sách cho Quảng Ngãi. Tính đến nay, KKT Dung Quất có 249 dự án đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định; trong đó, có 174 dự án sản xuất công nghiệp. Hằng năm, Ban Quản lý (BQL) KKT Dung Quất và các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh BQL đều lập kế hoạch và triển khai chương trình quan trắc và kiểm soát ô nhiễm môi trường, nhằm đánh giá hiện trạng và diễn biến môi trường trên địa bàn quản lý.
Đối với các dự án có nguồn thải lớn và có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao như Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất, dự án Bột giấy VNT 19 (đang giai đoạn xây dựng, chưa đưa vào vận hành), Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Trung - Tây Nguyên cùng với các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu tư đến khi vận hành hoạt động của các dự án. Nhờ đó, các chủ đầu tư dự án đã thực hiện nghiêm túc hơn các cam kết bảo vệ môi trường
Theo ông Hà Hoàng Việt Phương - BQL KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, để phát triển kinh tế bền vững và thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020, BQL sẽ triển khai hàng loạt các giải pháp để chuyển dịch nền kinh tế theo hướng xanh, thông minh và bền vững. Theo đó, BQL tập trung kêu gọi các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy KKT, KCN để hướng đến KKT, KCN sinh thái, theo hướng tăng trưởng xanh; hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường tại các khu sản xuất kinh doanh dịch vụ tập trung, xây dựng mới, chuyển đổi dần các KCN theo hướng KCN sinh thái.
Một giải pháp quan trọng khác mà BQL cũng chú trọng là từng bước hạn chế các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nhằm tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính; cải thiện môi trường sinh thái xanh hóa các KKT, KCN.
Ngoài ra, BQL cũng tận dụng các nguồn lực để hoàn thiện, hiện đại hóa, mở rộng mạng lưới, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường không khí và khí thải và xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng không khí xung quanh.
Đồng bộ các giải pháp
Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân và trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các ngành, các cấp, đoàn thể xã hội được nâng lên rõ rệt.
Một trong những giải pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường hiện nay; tích cực xây dựng văn hóa ứng xử với môi trường ở các cấp, ngành, đơn vị, địa phương và các dự án, các cơ sở kinh doanh, sản xuất; thường xuyên phát động, tổ chức rộng rãi các phong trào, hoạt động cũng như mô hình về bảo vệ môi trường… Đây là những tiền đề vô cùng quan trọng để Quảng Ngãi đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống.
Theo ông Võ Ngọc Dũng - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi, quy định của Luật Bảo vệ môi trường, đến 31/12/2024, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân phải được triển khai việc phân loại tại nguồn. Do vậy, để đảm bảo lộ trình thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo đúng quy định của Luật, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và đạo phương triển khai thực hiện nội dung này.
Theo đó, các địa phương đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, một số địa phương đã phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, Sở TN&MT tỉnh đã xây dựng quy định về phân loại rác tại nguồn, đồng thời có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích của tỉnh trong đầu tư và cung cấp dịch vụ xử lý chất thải rắn trình UBND tỉnh ban hành theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, để tăng cường công tác xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 về việc phê duyệt Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để đảm bảo lộ trình theo quy định của Luật trước 31/12/2024.
Để triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn luật sâu rộng đến tất cả các đối tượng. Đồng thời, ban hành hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/202. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh. Tập trung triển khai thực hiện việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để đảm bảo lộ trình theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường trước 31/12/2024, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới, sát thực tiễn.