Sống chung với rác
Làng biển An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi là vũng vịnh (bờ biển lõm) từ lâu đã là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Rác thải chất thành núi, ngổn ngang trải dài biển gần 800m ở thôn An Vĩnh đủ loại từ ni lông, thùng xốp, chai nhựa, còn có cả lốp xe, xác động vật… Vào mùa hè, dưới cái nắng gắt, núi rác bắt đầu phân huỷ bốc mùi hôi thối khiến cả làng biển An Vĩnh trở nên ngột ngạt. Hàng chục căn nhà bên bờ biển đóng cửa im ỉm để hạn chế mùi hôi thối.
“Phần lớn rác là từ nơi khác dạt về vì 95% rác ở địa phương đều được công ty môi trường đô thị thu gom. Địa phương đã tổ chức dọn rác nhiều lần nhưng cách làm này không căn cơ nên cần cấp trên nghiên cứu giải pháp xây kè ngăn rác. Vấn đề này đòi hỏi kinh phí lớn nên huyện và tỉnh đang xem xét để bố trí kinh phí”.
Ông Lý Hùng Cường - Bí thư xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Theo bà Nguyễn Thị Thảo (thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ): “Rác từ các nơi khác theo sóng và triều cường tấp vào chứ người dân ở đây không đổ. Không chỉ gây mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương. Hàng năm chính quyền với bà con dọn miết, cứ mùa đông là hầu như tất cả các loại rác thải, thậm chí có cả xác động vật chết từ trên thượng nguồn đều trôi theo dòng nước tấp về làng chài. Rác gây ô nhiễm nhưng người dân chỉ có thể xử lý được một phần, đặc biệt là xác súc vật chết. Riêng lượng rác thải nhựa quá nhiều nên người dân đành bó tay".
Ông Phạm Ngọc Thanh - Trưởng thôn An Vĩnh cho biết, mỗi lần dọn rác, phải huy động cả thôn, thuê cả máy xúc về để đào rác bị vùi lấp dưới cát. Thế nhưng chỉ được ít lâu là rác lại lấp đầy. Do tình trạng ô nhiễm nên khi có đám tiệc, người dân địa phương chỉ làm lễ nhanh gọn tại nhà rồi dời tiệc đến nhà văn hóa của thôn.
“Rác thải trôi vào bãi biển thôn An Vĩnh diễn ra từ hàng chục năm qua, làm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt sau mưa bão cuối năm 2021, tình trạng này càng nghiêm trọng hơn. Hồi đầu năm 2022, công ty môi trường và nhóm cộng đồng Tử tế với môi trường đã ra quân dọn dẹp nhưng được vài bữa lại ô nhiễm trở lại”, ông Phạm Ngọc Thanh cho biết.
Theo tìm hiểu, nguồn rác tấp vào bãi biển thôn An Vĩnh chủ yếu là từ thượng nguồn các con sông, suối các địa phương, mưa lũ cuốn rác theo các sông đổ ra cửa biển Sa Kỳ, tấp vào eo biển thôn An Vĩnh. Như thế, trong suốt hàng chục năm nơi đây đã trở thành điểm cuối tập hợp rác.
Bất lực với ô nhiễm?
Theo ông Lý Hùng Cường - Bí thư xã Tịnh Kỳ, với đặc thù là eo biển nên tình trạng rác thải ùn ứ ở khu vực bờ biển như vậy là do người dân sống ở trên thượng nguồn vứt rác xuống sông, sông mang theo rác đổ ra biển, nước biển vấn vào nên rác mới ùn ứ như vậy. Về hướng giải quyết là phải giải quyết trên thượng nguồn người ta không vứt rác xuống sông nữa thì ở dưới này không có rác, còn nhân dân địa phương không có vứt rác tại khu vực đó vì đã có công ty môi trường đô thị thu gom.
Ông Cường cũng cho biết, đầu năm ngoái, chính quyền địa phương đã phối hợp công ty môi trường đưa phương tiện, huy động 100 người dọn dẹp bờ biển. Lượng rác được thu gom, xử lý khoảng 100 tấn. Song chưa được bao lâu thì rác thải lại quay về như cũ. Mọi năm mùa hè thường rác chưa dạt vào, nhưng năm nay mưa sớm nên nước nguồn đổ về nhiều kéo theo rác.
Không chỉ tại vùng biển xã Tịnh Kỳ, nhiều năm qua, vùng biển cảng Sa Kỳ thuộc địa bàn xã Bình Châu luôn phải đối mặt với tình trạng ngập ứrác thải ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và hoạt động du lịch. Tại các khu vực bờ kè, bến đò... rác dập dềnh trên mặt nước hay là tấp vào bờ thành từng lớp dày đặc. Rác chủ yếu là xốp, ni lông và rác sinh hoạt của người dân. Chính quyền địa phương nhiều lần tuyên truyền, ngăn cản chuyện dân đổ rác thải ra khu vực này nhưng vẫn bất lực.
“Nhiều người thiếu ý thức đổ rác một cách vô tội vạ, biển như một thùng rác, trên bờ ném xuống nước, trên thuyền cũng ném xuống biển, khiến cho tình trạng ô nhiễm xảy ra thường xuyên, bốc mùi rất nặng, gây khó chịu cho người đi đường và làm ảnh hưởng lớn tới sinh hoạt của người dân. Cá biệt, rác sinh hoạt bị sóng đánh tấp vào nhà dân.” - ông Lê Văn Ái, người dân xã Bình Châu bức xúc.
Thiết nghĩ, tình trạng ô nhiễm nhiều tại các vùng ven biển tại Quảng Ngãi đã diễn ra khá lâu và đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan cũng như đời sống sinh hoạt của người dân. Do vậy, người dân sống vùng ven cửa biển vẫn mong mỏi, chờ đợi một giải pháp thực sự hiệu quả của chính quyền địa phương để chấm dứt cảnh sống chung với rác thải suốt thời gian dài.