Xã hội

Quảng Ngãi: “Quả ngọt” từ những mô hình sạch của người Cadong

Lan Anh - Ngọc Hà 10/09/2021 09:28

(TN&MT) - Thay đổi lối canh tác theo hình thức quảng canh, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hoá học làm thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, đồng bào Cadong ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã áp dụng trồng cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn, thu được kết quả khả quan.

Chuyển hướng đúng lúc

Đến vườn cây ăn trái của gia đình ông Đinh Văn Vân - người đồng bào Cadong, xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, nhiều người không khỏi thích thú với vườn bưởi, ổi nữ hoàng rộng hơn 20.000 m2 xanh tốt, trĩu quả. Ông Vân kể, khi nhận thấy trồng keo không còn mang lại hiệu quả do độ phì nhiêu của đất giảm dần, ông đã mày mò cải tạo đất rồi học hỏi cách trồng cây ăn quả theo hướng sạch, an toàn.

h2-3-.jpg
Cán bộ nông nghiệp hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây ăn quả

“Tính đến nay đã trồng được 1 năm rưỡi rồi, cây bưởi lớn nhanh, ít bị sâu bệnh. Trung bình 1 ha trồng 350 cây bưởi da xanh. Khi có vấn đề thắc mắc lại gọi điện thoại hỏi các anh kỹ thuật để được hướng dẫn. Bưởi mình trồng theo chuẩn hướng nông sản sạch nên không tùy ý sử dụng thuốc được, có nhật ký ghi chép kỹ lắm”, ông Vân cho biết.

Trong thời gian cây bưởi phát triển, ông Vân được khuyến khích trồng xen canh ổi lê, ổi nữ hoàng để “lấy ngắn nuôi dài”. Cứ 1 ha trồng 350 cây bưởi, ông lại trồng xen thêm 200 cây ổi. Khi cây bưởi ra trái và khép tán thì tiến hành chặt bỏ cây ổi. Đặc biệt, phương pháp này hạn chế được sâu bệnh và tránh tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngoài bưởi da xanh, tại xã Sơn Liên, người đồng bào Cadong còn trồng chuối mốc (còn gọi là chuối sứ) theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện các vườn chuối mốc sinh trưởng nhanh và đã mang lại hiệu quả bước đầu.

Mô hình nhiều triển vọng

Sơn Tây là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi với 94% dân số là người đồng bào dân tộc Cadong, việc canh tác trên đất dốc theo hình thức quảng canh còn khá phổ biến, gây thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái. Diện tích đất chưa sử dụng còn lớn song lại tập trung chủ yếu ở các vùng có giao thông không thuận lợi, thiếu nguồn nước, gây khó khăn cho canh tác nông nghiệp.

h1-3-.jpg
Ngoài bưởi da xanh, ổi nữ hoàng, người đồng bào Cadong còn trồng chuối mốc (còn gọi là chuối sứ) theo tiêu chuẩn VietGAP

Tuy nhiên, khí hậu Sơn Tây khá mát mẻ, phù hợp để phát triển các loại cây ăn quả. Tận dụng điều kiện thuận lợi này, huyện đã triển khai Dự án “Ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất bưởi da xanh và chuối mốc theo hướng hàng hóa tại huyện miền núi Sơn Tây”. Từ đó, xây dựng mô hình thâm canh cây bưởi da xanh và chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGAP tại 2 xã Sơn Bua và Sơn Liên với diện tích trồng bưởi da xanh là 10 ha, diện tích trồng chuối mốc là 5ha.

“Giai đoạn đầu thực hiện dự án, người dân ở đây rất băn khoăn, lúng túng. Họ quen với cách trồng truyền thống, không chăm sóc, không theo quy trình kỹ thuật, do đó chất lượng quả không tốt, cây sâu bệnh nhiều. Từ lúc được tham gia các lớp tập huấn, được "cầm tay chỉ việc", họ tiến bộ hơn, cây trồng nhờ đó có tốc độ sinh trưởng tốt, sâu bệnh hạn chế”, ông Đinh Công Lập - Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây cho biết.

Theo ông Lập, mục tiêu của dự án là xây dựng thành công các mô hình bưởi da xanh và cây chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong canh tác, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện Sơn Tây.

Đến nay, huyện Sơn Tây đã hình thành các dự án sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất bưởi da xanh và cây chuối mốc đạt tiêu chuẩn VietGap ngay trên vùng cao của địa phương. Diện tích trồng cây sinh trưởng phát triển tốt, trái cây đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng đất và môi trường được bảo vệ.

Giờ đây đồng bào đã thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái. Hiện các xã vùng sâu tiếp tục huy động các nguồn lực cùng với sự đồng hành của người dân để mở rộng tổ chức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: “Quả ngọt” từ những mô hình sạch của người Cadong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO