Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, đến nay, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) tỉnh Quảng Ngãi; đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm thời kỳ đầu (2011-2015) của cấp huyện. Toàn tỉnh đã có 155/164 xã, 7/10 thị trấn được phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Việc lập và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, các huyện, thành phố phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực; quy hoạch sử dụng đất cấp xã đã gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất cơ bản phù hợp với định hướng phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho phát triển đô thị, nông thôn, phát triển công nghiệp, dịch vụ; việc chuyển mục đích sử dụng các loại đất được thực hiện theo quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác được phê duyệt.
Về công tác giao đất, cho thuê đất, đến nay, tỉnh đã giao đất, cho thuê đất đối với đối tượng là tổ chức với tổng diện tích trên 1.500 ha cho 388 dự án; thu hồi 7.829 ha đất của các nông, lâm trường để giao cho địa phương quản lý. Giao đất, cho thuê đất đối tượng là hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 2.345,22 ha. Hiện tỉnh đang xây dựng Đề án đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. Từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực, tỉnh đã thu hồi và giao 59.173,1 ha đất phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội và công tác an ninh quốc phòng.
Quang cảnh buổi hội nghị |
Bên cạnh đó, từ tháng 01/2013 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 106.419 Giấy chứng nhận (GCN) lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã cấp GCN quyền sử dụng đất (QSDĐ) đạt 99,74%. Hiện nay, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu thực hiện Dự án hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) cho 6 huyện (Ba Tơ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Trà Bồng, Lý Sơn) và 03 xã Nghĩa An, Nghĩa Hà, Nghĩa Phú thuộc thành phố Quảng Ngãi; cơ sở dữ liệu đã được tích hợp vào cấp tỉnh và vận hành liên thông 3 cấp;…
Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó, nâng cao chất lượng hoạt động cơ chế “một cửa” và cơ chế “một cửa liên thông” tiến đến mô hình “một cửa hiện đại”. Đến nay, các thủ tục hành chính về đất đai đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các huyện, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân theo dõi;…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ yêu cầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI và Chương trình hành động 39 của Tỉnh ủy đã đề ra. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với nhiều đối tượng; Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai phù hợp với tình hình thực tế; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm tài nguyên đất đai được quản lý chặt chẽ.
Tỉnh Quảng Ngãi quyết tâm hoàn thành 100% cấp GCN QSDĐ lần đầu cho những thửa đất đủ điều kiện |
Đồng thời, khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoàn thành 100% cấp GCN QSDĐ lần đầu cho những thửa đất đủ điều kiện; trường hợp những thửa đất còn vướng mắc, phức tạp phải được rà soát, phân loại tập trung giải quyết dứt điểm trong năm 2018. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng đất, ô nhiễm đất và phân hạng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh,…
Bên cạnh đó, nghiên cứu tham mưu chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm đầu mối và nâng cao chất lượng hoạt động cơ chế “một cửa” và cơ chế “một cửa liên thông”, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng thu hút đầu tư, kinh doanh. Phấn đấu đến năm 2020 mỗi thủ tục hành chính rút ngắn thời gian giải quyết tối thiểu 30% so với quy định của Trung ương.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền thực hiện thí điểm các quỹ đất rừng phòng hộ ít xung yếu, quỹ đất công ích do cấp xã đang quản lý, quỹ đất chưa sử dụng. Nghiên cứu xây dựng Đề án theo hình thức hoán đổi các quỹ đất này nhằm hình thành quỹ đất tập trung để giao hoặc cho thuê đất tạo thành những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Bài & ảnh:Võ Hà