Quảng Ngãi: Nỗi lo giã cào!

13/10/2016 00:00

(TN&MT) - Quảng Ngãi đã tăng cường kiểm tra, xử phạt vệc khai thác hải sản ven bờ bằng ghe giã cào, đồng thời, kiểm soát việc đóng mới tàu. Tuy vậy, việc triệt tiêu nghề giã cào vẫn chưa được như mong muốn.

Tàu giã cào của ngư dân Quảng Ngãi bị lực lượng kiểm ngư bắt giữ
Tàu giã cào của ngư dân Quảng Ngãi bị lực lượng kiểm ngư bắt giữ

Gian nan kiểm soát nạn giã cào

Xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi có hơn 100 tàu cá làm nghề giã cào. Đây là một trong những xã có số lượng tàu thuyền đánh bắt hải sản bằng nghề giã cào nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi. Nghề giã cào đánh bắt theo kiểu tận diệt nên chính quyền địa phương đã tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản… Tuy vậy, vì lợi ích trước mắt, đội ngũ tàu hành nghề giã cào của địa phương vẫn phát triển mạnh, hủy hoại nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ và hệ sinh thái biển.

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, số lượng tàu thuyền cả tỉnh là 5.555 chiếc, trong đó, hơn 1.600 tàu làm nghề lưới kéo, tức giã cào. Việc khai thác quá mức vùng ven bờ, đặc biệt là việc vi phạm vùng khai thác của tàu giã cào đã làm cho nguồn lợi vùng ven bờ dần dần cạn kiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của ngư dân.

Tàu giã cào hủy hoại nguồn lợi thủy sản, trong khi giá trị sau sản xuất không cao
Tàu giã cào hủy hoại nguồn lợi thủy sản, trong khi giá trị sau sản xuất không cao

Ngư dân Nguyễn Hát, xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi cho biết: “Nghề giã cào đã nuôi sống gia đình 4 đời nay. Thông thường, tôi đi chuyến biển khoảng 7 ngày, mỗi chuyến biển như vậy, trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng”. Khi được hỏi việc đánh bắt theo phương pháp giã cào có ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển tầng đáy không? Ông Hát thẳng thắn thừa nhận là có ảnh hưởng, nhưng không biết làm gì! 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn về việc tăng cường phát triển tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, nhằm từng bước phát triển cơ cấu nghề khai thác thủy sản một cách hợp lý, bền vững, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là nguồn lợi thủy sản ven bờ, nguồn lợi thủy sản tầng đáy. Công văn nêu rõ, tạm ngừng việc phát triển tàu cá lưới kéo và nghề lặn, bao gồm cả đóng mới, chuyển từ nghề khác sang và mua tàu từ ngoài tỉnh về kể từ ngày 1/12/2015.

Ông Ngô Văn Hưng - Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, đây là một quyết định rất kịp thời, tuy vậy, bước đầu hạn chế số tàu đóng mới, để bà con chuyển đổi sang nghề khác là rất khó khăn... Trong khi đó, công tác kiểm tra, kiểm soát cũng gặp nhiều nan giải vì ngư dân luôn khai thác vào thời điểm ban đêm nhằm “tránh” lực lượng truy quét.

Cần thêm "bà đỡ"

Theo kế hoạch tái cơ cấu các nghề khai thác hải sản của Sở NN&PTNT được UBND tỉnh thông qua mục tiêu đến năm 2020, ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững cả về kinh tế, xã hội, môi trường. Theo đó sẽ tăng dần số tàu cá công suất trên 400CV có khả năng khai thác xa bờ. Để thực hiện điều này, một mặt ngành cấm phát triển nghề lưới kéo dưới mọi hình thức, hạn chế phát triển nghề lặn, mặt khác khuyến khích ngư dân chuyển nghề lưới kéo qua nghề mới khai thác xa bờ như lưới rê, nghề câu. Việc này nhằm giảm dần những nghề khai thác xâm hại nguồn lợi và môi trường sinh thái.

Quảng Ngãi dừng cấp phép đóng mới tàu giã cào từ ngày 1.12.2015
Quảng Ngãi dừng cấp phép đóng mới tàu giã cào từ ngày 1/12/2015

Tuy vậy, hiện, chi phí hoán đổi từ nghề lưới kéo sang nghề lưới vây hoặc lưới rê rất cao, từ 2 - 3 tỷ đồng/chiếc tàu, trong khi, chi phí đóng mới chỉ từ 3,5 - 4 tỷ đồng/chiếc tàu. Bên cạnh đó, phải đào tạo kỹ thuật đánh bắt cho cả thuyền trưởng và thuyền viên, nên sự chuyển đổi này hết sức khó khăn. Bà con ngư dân đang rất cần chính sách hỗ trợ của tỉnh để chuyển sang hoạt động các loại nghề khác.

Ngư dân Nguyễn Phong, xã Phổ An, huyện Đức Phổ bày tỏ mong mỏi: “Chúng tôi sẽ chấp hành chủ trương của Nhà nước về chuyển đổi nghề lưới kéo sang nghề khác và mong muốn nhà nước hỗ trợ cho ngư dân vay vốn với lãi suất thấp, có như vậy, chúng tôi mới có thể chuyển đổi được”.

Bài và ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Nỗi lo giã cào!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO