Quảng Ngãi: Nhiều khó khăn trong chương trình cấp nước nông thôn

01/05/2018 09:50

(TN&MT) -Tính đến năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng được 495 công trình cấp nước nông thôn tập trung với tổng nguồn vốn đầu tư gần 410 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 7% công trình hoạt động bền vững, còn lại hầu hết không hoạt động hoặc hoạt động yếu kém, trong đó tại các xã miền núi không có công trình nào hoạt động bền vững.

Công trình cấp nước nông thôn tại xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà không hoạt động
Công trình cấp nước nông thôn tại xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà không hoạt động

34/495 công trình hoạt động bền vững

Theo ông Dương Văn Tô- Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhằm giải quyết tình trạng một số vùng nông thôn, nhất là vùng núi cao thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, trong giai đoạn 2010- 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch nhiều dự án cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 9/9/2010 về việc phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn;Quyết định số 884/QĐ-UBND ngày 27/11/2017 phê duyệt quy hoạch cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Từ khi triển khai đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được 495 công trình cấp nước nông thôn tập trung với tổng nguồn vốn đầu tư lên đến gần 410 tỉ đồng. Mặc dù các công trình sau khi hoàn thành đã giải quyết được tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số vùng nông thôn, từng bước cải thiện đời sống, sức khỏe cho nhân dân tại các vùng hưởng thụ dự án. Bên cạnh đó, cũng góp phần giải phóng sức lao động cho người dân, đồng thời góp phần kết cấu hạ tầng ở nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, đưa tỉ lệ người dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 89,2%.

Công trình nước nông thôn ở huyện Trà Bồng mới xây xong nhưng không cấp được nước
Công trình nước nông thôn ở huyện Trà Bồng mới xây xong nhưng không cấp được nước

Tuy nhiên, theo đại diện của Sở NN&PTNN, do công tác quản lý tại một số địa phương còn lỏng lẻo, các dự án hoàn thành nghiệm thu và bắt đầu cấp nước thì lại không thu được tiền nước dẫn đến việc không có tiền chi trả chi phí quản lý cũng như các hoạt động duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng. Vì vậy, trong tổng số các công trình cấp nước đã được đầu tư chỉ có 34/495 công trình hoạt động bền vững, 214 hoạt động ở mức trung bình, 107 hoạt động kém hiệu quả và 140 công trình không hoạt động. Đặc biệt, trong số 495 công trình đã hoàn thành đầu tư xây dựng, có đến 451 công trình triển khai tại các miền núi và trong số này không có công trình nào hoạt động bền vững và 131 công trình hiện không hoạt động.

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện duy tu, sửa chữa cũng như nâng cấp nhiều công trình cấp nước tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng triển khai nhiều chương trình truyền thông, mở các lớp tập huấn về công tác quản lý, vận hành cho hàng trăm lượt cán bộ, công nhân các trạm cấp nước nhằm nâng cao năng lực quản lý hiệu quả, bền vững cho các công trình cấp nước cũng như nhận thức về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Hiệu quả bước đầu từ tổ cấp nước nông thôn

Theo ông Dương Văn Tô, thực hiện Quyết định số 23/QĐ-UBND ngày 12/1/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án giao đơn vị quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước nông thôn tập trung, đến nay trên địa bàn tỉnh đang áp dụng 4 loại hình quản lý sử dụng và khai thác bao gồm:đơn vị sự nghiệp công lập; doanh nghiệp, HTX; phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện và cuối cùng là UBND các xã thành lập các tổ quản lý, sử dụng và khai thác.

Loại hình quản lý sử dụng và khai thác theo tổ bước đầu phát huy tác dụng
Loại hình quản lý sử dụng và khai thác theo tổ bước đầu phát huy tác dụng

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, đối với loại hình đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng và khai thác: hiện Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trực thuộc Sở NN&PTNT đang quản lý tương đối hiệu quả với 16 công trình; đội Quản lý đô thị và các đơn vị cấp huyện hiện đang quản lý 3 công trình, tuy nhiên hiệu quả không cao do hầu hết đều là kiêm nhiệm, hàng năm không được đào tạo, tập huấn, chưa xây dựng được phương án giá nước và cân đối thu chi.

Đối với loại hình doanh nghiệp, HTX quản lý, sử dụng và khai thác hiện đang quản lý 5 công trình nhưng cũng bộc lộ rất nhiều yếu kém như bộ máy quản lý công kềnh, không đủ năng lực để quản lý, công nhân vận hành không có tay nghề, không được tập huấn.

Hiện nay, đạt hiệu quả nhất phải nói đến loại hình: giao cho UBND các xã quản lý, sử dụng và khai thác thông qua việc thành lập các tổ, ban quản lý. Hàng tháng, cộng đồng có trách nhiệm đóng góp tiền (hiện thống nhất là 10.000đ/hộ) để trả công quản lý cho đội ngũ này và một phần kinh phí được trích ra để thực hiện sửa chữa nhỏ. Qua khoảng gần 2 năm thực hiện, bước đầu loại hình này đã được người dân đồng tình, ủng hộ và đang áp dụng ở nhiều xã, điển hình như các xã: Linh Sơn, Linh Nham, Sơn Cao (huyện Sơn Hà), Nghĩa Sơn (huyện Tư Nghĩa).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Nhiều khó khăn trong chương trình cấp nước nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO