Ông Nguyễn Tấn Pháp - Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng Miền Bắc tại Quảng Ngãi (chủ đầu tư dự án) cho biết: Việc chậm trễ này phát xuất từ yếu tố khách quan lẫn chủ quan, cái khó khăn nhất là về tài chính, nguồn vốn thiếu hụt. Nhiều hạng mục phải dừng lại do không có vốn để thực hiện.
“Tổng giá trị thực hiện (tính tới tháng 8/2019) khoảng hơn 181 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng mức đầu tư của Dự án và chỉ có hơn 34 tỷ đồng vốn vay ưu đãi, còn lại là vốn tự có của Công ty”- ông Pháp cho hay.
Được biết, dự án Nhà máy Xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi), có tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trên diện tích gần 12 ha, với công suất 250 tấn rác/ngày. Sau nhiều lần xin điều chỉnh tiến độ, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể vận hành chính thức vào ngày 30/9/2019 theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Việc tiếp tục “trễ hẹn” đã khiến bài toán xử lý rác thải tồn đọng trên địa bàn tỉnh càng thêm khó khăn hơn.
Tính đến thời điểm này, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ chỉ mới hoàn thành các hạng mục cơ bản như nhà xưởng phân loại và xử lý rác, nhà xưởng ủ rác, nhà bảo vệ, mương thoát nước mặt, dây chuyền phân loại và lò đốt; một số hạng mục khác như nhà xưởng sản xuất phân vi sinh, nhà điều hành, nhà văn phòng, nhà điều hành trạm cân, hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy chỉ mới hoàn thành 65% khối lượng.
Các hạng mục khác như nhà xưởng sản xuất hạt nhựa, gạch không nung, nhà chứa rác nguy hại, nhà chứa vật tư, chứa phế liệu, súc rửa, thu gom nước…vẫn chưa được thực hiện. Nhà máy cũng chỉ mới cho chạy thử nghiệm dây chuyền phân loại rác công suất 6- 8 tấn/giờ và lò đốt công suất 2.5 tấn/giờ.
Thời gian qua, tại các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và Nghĩa Hành… đâu đâu cũng thấy cảnh rác thải chất thành đống điều này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe của người dân.
Ông Lương Thạnh (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) bức xúc: “Nhiều tháng qua gia đình tôi phải tự xử lý rác thải bằng cách phân loại rồi đốt. Nhà cũng ít người cũng chẳng kinh doanh buôn bán gì nên ít rác, tự xử lý cả. Mấy hộ ở gần khu vực giáp ranh với thành phố Quảng Ngãi còn tranh thủ lúc ít người, đêm tối lại mang rác qua bên đó để “đổ trộm” họ kêu thành phố có xe thu gom rác. Cũng có nhiều người thiếu thức quăng lung tung văng ra tận đường quốc lộ làm mất vệ sinh”.
“Nghe đâu nhà máy rác Nghĩa Kỳ xây dựng đến 30/9 là làm xong, rác thải sẽ được công ty cổ phần môi trường đô thị thu gom, nhưng mà tới giờ cũng chẳng thấy đâu người dân chúng tôi cũng phải tự xử lý. Mà cũng chẳng biết đến bao giờ thì nhà máy rác mới làm xong. Nếu tình trạng này cứ kéo dài người dân chúng tôi chính là người bị ảnh hưởng lớn nhất, rồi cũng sinh bệnh mà chết thôi”- ông Thạnh than thở.
Theo ông Nguyễn Tấn Pháp, hiện tại Công ty đang tạm ứng 6,5 tỷ của UBND tỉnh Quảng Ngãi để xử lý gần 34.000 tấn rác thải tiếp nhận tạm thời từ ngày 15/3- 7/7/2018. Công ty cũng mong muốn được tiếp nhận nguồn rác mới trên địa bàn thành phố Quảng Ngãi và các vùng lân cận làm nguyên liệu để tiếp tục vận hành chạy thử nghiệm, khối lượng tiếp nhận khoảng từ 120- 150 tấn/ngày/đêm, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải tại địa phương.
“Trước trực trạng khó khăn này, Công ty tiếp tục xin gia hạn một lần nữa. Cụ thể, sẽ đưa Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ vào hoạt động chính thức cuối tháng 12/ 2019. Trong thời gian đó, Công ty sẽ tập trung tối đa nguồn vốn và đôn đốc các nhà thầu sản xuất, lắp đặt dây chuyền phân loại rác và lò đốt (dây chuyền 2), phấn đấu hoàn thành các hạng mục chính… để đảm bảo xử lý 100% công suất”- ông Pháp nói.