Trong ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi giữa bốn bề núi rừng, ông Hồ Thanh Kính (55 tuổi), thôn Bắc 2, xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng không giấu được sự tự hào khi nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp của mình. Ông kể, ngày trước, hai vợ chồng suốt ngày quần quật làm ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ mà cũng chỉ đủ ăn, chẳng hề dư dả. Con cái thì mỗi ngày một lớn, tiền ăn học cũng ngày một nhiều, khiến ông cứ quẩn quanh suy nghĩ phải thoát nghèo cho bằng được.
Với ý chí quyết tâm thoát nghèo, không ngại tuổi cao, ông mạnh dạn vay vốn từ các chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số để làm kinh tế. Mô hình đầu tiên được ông áp dụng là trồng keo nguyên liệu trên diện tích 5 ha với hơn 10.000 cây keo. Cây keo là loại cây dễ trồng, dễ thích nghi nên phát triển khá tốt, cho thu hoạch thường xuyên. Từ năm 2019 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình ông Kính thu lợi hơn 50 triệu đồng từ mô hình trồng keo.
Khi đã có chút vốn, ông Kính tiếp tục đầu tư theo kiểu “lấy ngắn, nuôi dài”, tận dụng diện tích đất đồi để trồng quế, cau… Ngoài ra, ông còn xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi heo, thả cá. Nhờ sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông về cách chăm sóc gia súc cộng với vốn kiến thức học hỏi được từ các phương tiện thông tin đại chúng mà ông dần làm chủ được các mô hình, tự tin hơn. Từ đó, thu nhập của gia đình ông cải thiện đáng kể, trung bình mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng. Gia đình ông đã có cuộc sống khá giả, xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi, con cái được ăn học.
Ông Kính tâm sự: Trước đây, cả thôn có phong trào trồng cây dó bầu tạo trầm hương để nuôi mộng làm giàu nhưng ông lại chọn cho mình một hướng đi khác là phát triển kinh tế vườn bền vững dựa trên lợi thế của địa phương. Hiện tại, vợ chồng ông đang trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới, sau đó ông sẽ mở rộng và nhân giống cho những bà con khác cùng trồng.
Không chỉ dừng lại ở việc làm giàu cho bản thân và gia đình, ông Kính còn giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn cùng phát triển kinh tế bằng việc hỗ trợ cây trồng, giống vật nuôi; sẵn sàng cho vay tiền, hướng dẫn phương thức canh tác, kỹ thuật chăm sóc tận tay để họ nắm bắt, làm theo mình. Mô hình kinh tế của ông Kính đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 20 lao động của địa phương. Đối với người dân thôn Bắc 2, ông Kính xem là người “dẫn lối” giúp bà con đồng bào nơi đây nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Anh Hồ Ngọc Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Sơn, huyện Sơn Tây cho biết, bà con trong thôn rất quý mến ông Kính, coi ông là tấm gương điển hình để mọi người noi theo. Học theo ông Kính làm ăn kinh tế mà đời sống của bà con đã thay đổi, nhiều gia đình bắt đầu có của ăn của để. Và quan trọng hơn cả là thoát được cái nghèo, cái đói - điều mà ai cũng mong muốn.
“Những mô hình ấy đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, mở ra triển vọng, hướng đi mới cho địa phương, cần được nhân rộng. Dẫu cuộc sống nơi vùng cao còn vô vàn khó khăn nhưng “cơ ngơi” mà chú Kính tạo dựng được rất đáng biểu dương” - anh Tiến nói.