Công ty TNHH An Phú đã khai thác ngoài phạm vi cấp phép tại mỏ đất Núi Cầu (xã Bình Nguyên) cung cấp cho dự án đường Cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi |
Qua báo cáo của UBND huyện Nghĩa Hành, trên địa bàn huyện hiện nay có 3 mỏ được tỉnh cấp khai thác với khối lượng lớn: Mỏ đất san lấp Xuân An, tại xã Hành Thuận, cấp cho Công ty Cổ phần Đầu tư 706 theo giấy phép số 18/GP-UBND ngày 26/3/2015, thời hạn 2 năm, trữ lượng cho khai thác là 185.765m3; mỏ Kỳ Thọ Nam I tại xã Hành Đức, cấp cho Công ty TNHH MTV XD Thiên Minh Tiến theo giấy phép số 23/GP-UBND ngày 8/7/2014 thời hạn 2 năm, với trữ lượng khai thác là 156.455m3; mỏ núi Bàn Cờ, thôn Kỳ Thọ Nam I, xã Hành Đức. Đây là nguyên nhân làm gia tăng lưu lượng xe chở đất qua lại, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hạ tầng giao thông bị hư hại, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân khu vực có mỏ đất trong thời gian qua.
Ngoài ra, các đơn vị khai thác đất đã vi phạm lấy ngoài mốc giới được cấp phép như mỏ Xuân An, xã Hành Thuận thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư 706 đã khai thác ngoài phạm vi cấp phép với khối lượng là 5.100 m3; mỏ Kỳ Thọ Nam I, xã Hành Đức thuộc Công ty TNHH MTV XD Thiên Minh Tiến đã khai thác vượt cấp phép là 14.255 m3, vượt trên 12%; đồng thời, hai đơn vị không gắn việc khai thác với việc hoàng thổ trả lại mặt bằng.
Xe ben vận chuyển đất của Công ty TNHH An Phú từ mỏ đất Núi Cầu trên đường đến dự án đường Cao tốc Đà Nẵng – Quãng Ngãi |
Lãnh đạo huyện Nghĩa Hành đã kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản đối với các đơn vị khai thác các mỏ đất trên.
Qua ý kiến các sở, ngành và huyện Nghĩa Hành, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành đo đạc, xác định khối lượng đã khai thác hiện tại và khối lượng đã khai thác vượt ra ngoài mốc giới để thu hồi vào ngân sách nhà nước đối với các mỏ đất trên; có giải pháp để khắc phục mật độ xe lưu thông trong giờ cao điểm và xử lý nghiêm đối với các xe chở quá trọng tải. Yêu cầu các đơn vị tiến hành thi công theo đúng tiến độ của dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đồng thời cần chú trọng giải quyết vấn đề như: ô nhiễm môi trường, chấm dứt tình trạng đưa xe quá hạn vào sử dụng, làm hạ tầng giao thông xuống cấp, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
Qua nhiều chuyến đi thực địa tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ, Tư Nghĩa…, phóng viên Báo Điện tử TN&MT đã ghi nhận thực trạng khai thác đất cũng như cát, đá trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn nhiều bất cập, quá phức tạp. Nhiều đơn vị lợi dụng việc bóc tầng phủ mỏ đá nhằm mục đích hợp thức hóa cho việc khai thác đất đồi của dân khu vực lân cận. Để giảm thời gian xin cấp phép cũng như tránh phải nộp nhiều các khoản thuế, một số doanh nghiệp đã lách sang xin cải tạo mặt bằng, tận thu phần đất dư thừa làm vật liệu san lấp. Chưa hết, một số doanh nghiệp, mặc dù được tỉnh cấp phép khai thác mỏ hẳn hoi nhưng chỉ khai thác cầm chừng mang tính đối phó, mặt khác tiến hành mua và khai thác đất đồi các khu vực lân cận của dân nhằm tránh thuế cũng như dành trữ lượng mỏ lại để xin gia hạn thời gian khai thác về sau.
Công ty TNHH MTV NBB Quảng Ngãi núp bóng “bóc tầng phủ” để khai thác đất tại mỏ đá xã Bình Nguyên, đồng thời phớt lờ thượng lệnh, sử dụng xe ben quá tải, “có ngọn” trong công tác vận chuyển đất, gây ô nhiễm môi trường và hư hỏng đường giao thông |
Một vài doanh nghiệp được tỉnh cấp phép mỏ tại huyện Bình Sơn chia sẻ: Thật trớ treo, trên địa bàn huyện được tỉnh cấp mỏ đất nằm sát “Dự án kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền - Đập Cà Ninh” không quá 500m, mỏ đất còn lại nằm cách dự án 12Km. Cả 2 mỏ đều được ký hợp đồng cung cấp đất cho dự án, nhưng thực tế đấy chỉ là thủ tục đối phó, đất 2 mỏ cấp cho dự án mang tính cầm chừng, cho có. Điều đáng nói, cả dự án lớn như vậy, 2 mỏ cung cấp đất nhỏ giọt vậy mà dự án vẫn thi công đúng tiến độ, vẫn có đất để san lấp?
Ông H, chủ một mỏ đất tại xã Bình Nguyên (huyện Bình Sơn) than thở, chưa kịp vui mừng, mất không ít thời gian và tiền của mới hoàn tất mọi thủ tục và được tỉnh cấp quyền khai thác mỏ đúng vào thời điểm một số dự án đang triển khai như: Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dự án Bình Trì – Dung Quất…, tưởng chừng sẽ khai thác thuận lợi, ai dè không bán được khối đất nào. Ông cho biết thêm, đa phần những mỏ được cấp phép trên địa bàn tỉnh đều điêu đứng, không bán được, nếu có thì cũng không đáng kể. Vì quá nhiều đơn vị xưng là có mối quan hệ lớn, ngang nhiên khai thác trái phép khắp nơi, không phải đóng các khoản thuế nào nên giá nào họ cũng bán được, đơn vị có phép không cạnh tranh được, từ khi cấp phép đến giờ, đơn vị bán được vài trăm khối rồi đóng cửa mỏ chứ biết làm răng chừ.
“Làm một bài toán điều tra nhỏ, kiểm tra tổng lượng đất cần đủ để thực hiện đắp dự án đường Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi theo thiết kế, mặt khác điều tra tổng hợp tổng lượng đất mà tất cả các mỏ có phép đã khai thác và cung cấp cho dự án đường Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đem so sánh sẽ ra khối lượng lớn đất chênh lệch không có nguồn gốc. Vậy lượng đất đó lấy đâu ra?”- ông H. bức xúc chia sẻ thêm.
Cách đây không lâu, chúng tôi có buổi làm việc với ông Trần Vũ Nhân, quyền Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư hạ tầng an sinh xã hội, thuộc BQL khu kinh tế (KKT) Dung Quất về nguồn gốc đất sử dụng để phục vụ san lấp “Dự án kè chống sạt lở kết hợp đường cứu hộ, cứu nạn di dân tái định cư, neo đậu tàu thuyền - Đập Cà Ninh”, ông Nhân khẳng định, nguồn đất nhập vào dự án chắc chắn là không trái phép. Dự án dự kiến sẽ lấy tại mỏ đất Bình Đông là 1 triệu m3 và lấy tại mỏ đất Bình Phước 2,8 triệu m3. Ông Nhân lật sổ theo dõi cho chúng tôi biết tại thời điểm, dự án đã nhập một khối lượng đất tại mỏ đất Bình Đông là 34.000 m3 và tại mỏ đất Bình Phước là 227.000 m3 đất. Sau khi chúng tôi thắc mắc tại sao mỏ ở gần dự án thì lấy ít, mỏ nằm xa thì lại lấy nhiều?. “Dự án nào cũng vậy thôi, cũng có cái phần lấp lửng ngoài mỏ cấp phép (trái phép), cũng như mấy ông được cấp mỏ thì chắc gì mấy ổng lấy đúng trong phạm vi mỏ đã cấp đâu”- ông Nhân ấp úng giải thích.
Để tìm hiểu thực hư về vấn đề này, chúng tôi tìm đến mỏ đất Bình Đông và mỏ đất Bình Phước ngay chiều hôm đó. Tại mỏ đất Bình Đông, chúng tôi hỏi qua người quản lý mỏ thì khối lượng đất cung cấp cho dự án Đập Cà Ninh chưa đến con số mà bên dự án cung cấp. Còn tại mỏ đất Bình Phước, chúng tôi không gặp được quản lý nhưng nhìn với kích thước đã khai thác, chúng tôi hỏi tài xế xe múc thì được biết khối lượng khai thác chưa quá 50.000 m3. Vậy con số 227.000 m3 mà ông Nhân nói lấy đâu ra, có lẽ không có câu trả lời?
Tập đoàn Phúc Lộc lợi dụng bóc tầng phủ đã khai thác đất trái phép tại xã Bình Đông, cung cấp cho dự án Đập cà Ninh, bị cơ quan chức năng bắt trong lúc khai thác |
Một Giám đốc điều hành mỏ đất trên địa bàn cho biết thêm, sở dĩ mỏ gần thì dự án lấy với trữ lượng ít, còn mỏ ở xa thì lấy với trữ lượng nhiều là họ cố tình đó. Chúng tôi ngơ ngác không hiểu thì được ông giải thích thêm, mục đích họ lấy đất trái phép bên cạnh dự án đem hợp thức hóa cho mỏ ở xa nhằm có được khoảng tiền vận chuyển 12 km, chứ hợp thức hóa cho mỏ nằm bên cạnh như mỏ Bình Đông thì có ăn cháo. Tập đoàn Phúc Lộc nhiều lần khai thác đất trái phép bị lực lượng chức năng bắt phạt, thử hỏi đất trái phép đó thanh quyết toán làm sao?. Việc này rõ như ban ngày, có gì đâu khó hiểu. Dự án Đập Cà Ninh này, nếu tỉnh thành lập đoàn thanh tra liên ngành vào làm việc thì lòi ra nhiều chuyện đáng nói hơn.
Để tránh thất thoát tài nguyên, nguồn thu ngân sách, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cần chỉ đạo kiểm tra thường xuyên hoạt động khai thác tại các mỏ đất ở các huyện, TP; đồng thời tạo được sự công bằng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, giảm thiểu lượng xe lưu thông, giảm ô nhiễm môi trường cũng như an toàn giao thông cho người dân.
Bài & ảnh: Võ Hà