Khi RNM thành hồ tôm
Theo thống kê của Sở TN&MT Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh chỉ còn 197ha RNM ven biển, giảm khoảng 115ha so với năm 2002. Vậy là chỉ sau hơn 10 năm, gần 40% diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn tỉnh đã “biến mất”.
Trong vài năm trở lại đây, khi phong trào nuôi tôm rộ lên, diện tích RNM cũng dần bị thu hẹp. Tại xã Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi) từng có một rừng dừa nước rộng 120ha, giữ vai trò như một “bức tường xanh” ngăn mặn, ngăn gió, giúp người dân sống trong khu vực này có thể vững lòng trước thiên tai, gió bão. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của 20 năm về trước. Còn bây giờ, rừng dừa nước xanh mướt năm nào giờ chỉ còn là một khoảnh nhỏ nằm lọt thỏm giữa hàng loạt hồ tôm lớn nhỏ.
Hơn 3ha rừng đước tại thôn Mỹ Lại, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) hiện cũng đang bị hồ tôm lấn dần nên chỉ còn chưa đầy 1 ha. Ông Lư Văn Tin - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê cho biết, mặc dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền lẫn xử phạt, nhưng vẫn không ngăn được tình trạng mất rừng.
Ngăn lũ từ những cánh RNM
Những năm gần đây, khu vực ven biển Quảng Ngãi thường bị sóng biển xâm thực, nguồn tài nguyên nước bị ô nhiễm, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt dần. Do đó, việc phục hồi diện tích RNM ở khu vực ven biển là rất cần thiết và cấp bách. RNM được phục hồi sẽ có vai trò quan trọng để giải quyết tình trạng xâm thực, tăng cường khả năng ngăn lũ, điều hòa khí hậu và bảo vệ hệ sinh thái ven bờ biển.
Trồng RNM là biện pháp hữu hiệu để ngăn lũ bất thường |
Khu vực sông Đầm, thuộc thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn) thời điểm này người dân địa phương đang cải tạo các khu hồ nuôi tôm. Bên ngoài các hồ tôm là những vạt cây đước cao chừng 1m mới được trồng chạy dọc ven hai bờ sông. Người dân ở huyện Bình Sơn cho biết, khu vực này trước đây cũng có rừng đước, nhưng sau này bị phá dần để lấy đất làm hồ nuôi tôm. Những năm gần đây, vào mùa mưa thì hồ đập nuôi tôm của người dân ở đây thường bị sạt lở. Con cua, con cá trong sông ít dần. Giờ có dự án trồng rừng đước này, người dân thấy yên tâm và sẽ tham gia bảo vệ cho cây phát triển tốt.
Dự án trồng mới và phục hồi RNM ven biển xã Bình Thuận, do Sở TN&MT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, được triển khai từ năm 2014 với kế hoạch trồng mới 114 ha. Tổng kinh phí của dự án trên 24 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Loại cây được trồng là đước và cóc trắng bản địa.
Ông Trần Quy - Giám đốc Công ty TNHH Nhung Quy, một trong hai đơn vị tham gia dự án trồng RNM ở khu vực sông Đầm cho biết: Dự án được thực hiện từ tháng 10/2014, đến nay đơn vị đã trồng được gần 5ha đước. Trong năm 2015 này, đơn vị tiếp tục trồng mới thêm 8ha nữa. Ngoài ra, thực hiện dự án trồng RNM ở đây còn có Ban quản lý rừng phòng hộ cảnh quan Dung Quất. Tổng diện tích đã thực hiện trồng mới ở Bình Thuận là 25ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi cho biết: Ngoài dự án trồng RNM ở xã Bình Thuận thì năm 2015 này, từ nguồn vốn Trung ương cấp, Sở TN&MT cũng đang trình UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới và phục hồi khoảng 40ha RNM ở xã Bình Phước và Bình Đông (Bình Sơn) với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Riêng xã Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) sẽ được triển khai hạng mục trồng rừng thuộc dự án xây dựng hệ thống đê bao ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: Xuân Lam