Quảng Ngãi: Hai nam học sinh lớp 12 chế tạo thành công Robot cứu hỏa

21/04/2019 16:49

(TN&MT) -  Hai học sinh xuất sắc này là em Phạm Hồng Thái và Võ Đặng Văn Thành (học sinh lớp 12, trường THPT Trần Quốc Tuấn, tỉnh Quảng Ngãi). Được biết,  Robot cứu hỏa của 2 học sinh này đã đạt giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia dành cho học sinh trung học khu vực phía Nam năm 2019.

Hai em Phạm Hồng Thái (bên phải) và Võ Đặng Văn Thành (bên trái) cùng với sản phẩm Robot cứu hỏa của mình
Hai em Phạm Hồng Thái (bên phải) và Võ Đặng Văn Thành (bên trái) cùng với sản phẩm Robot cứu hỏa của mình

Bằng sự nhiệt huyêt của tuổi trẻ và sự đam mê về Khoa học Kỹ thuật, cùng với mong muốn tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội ngày nay, hai học sinh này đã cùng nhau nghiên cứu và nảy ra ý tưởng chế tạo Robot cứu hỏa điều khiển từ xa nhằm hỗ trợ người lính khi thực hiện nhiệm vụ khống chế đám cháy lớn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong hỏa hoạn.

Khi được hỏi về ý tưởng trên, em Phạm Hồng Thái và Võ Đặng Văn Thành cho hay, vì trước đây đã nhiều lần chứng kiến những người lính cứu hỏa phải chiến đấu với lữa trong môi trường khắc nghiệt, nhất là trong những vụ cháy lớn, có thể phát nổ hoặc sinh ra khói độc gây nguy hiểm tới tính mạng. Do đó, hai em muốn chế tạo Robot cứu hỏa có thể làm thay nhiệm vụ của người lính ở những khu vực nguy hiểm nhất. Chúng em nghĩ Robot cứu hỏa sẽ rất cần thiết và hữu ích đối với những người lính làm công tác chữa cháy.

Theo em Thái, cấu tạo mô hình Robot cứu hỏa này sử dụng vật liệu hoàn toàn bằng thép và có khả năng chống chịu nhiệt cao ở các môi trường khắc nghiệt nhất. Bên trong Robot còn có 6 miếng cảm biến nhiệt và chịu được nhiệt độ lên đến 300 độ C, những bộ phận quan trọng như mạch, camera, bộ phận điều khiển điều khiển điều được lắp vật liệu cách nhiệt Amiang, (1 loại vật liệu thường dùng để cách nhiệt trong đồng phục chữa cháy của cảnh sát PCCC).

Robot có khả năng điều khiển từ xa để tiếp cận và dập tắt đám cháy trong những trường hợp phức tạp nhất
Robot có khả năng điều khiển từ xa để tiếp cận và dập tắt đám cháy trong những trường hợp phức tạp nhất

Ngoài ra, Robot còn có hệ thống cảm biến nhiệt, mạch điều khiển điện tử phức tạp, robot được gắn một xi-lanh điện để thay đổi góc phun, hướng phun trong những điều kiện khác nhau. Với cơ cấu bánh xích, Robot có thể di chuyển được trên nhiều loại địa hình, kể cả những địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận.

Đồng thời, phía trên Robot còn được gắn một camera với độ phân giải HD, có nhiệm vụ thu hình ảnh, diễn biến đám cháy liên tục cho người điều khiển, giúp người điều khiển theo dõi được môi trường làm việc cũng như vị trí hoạt động của Robot, nhằm đưa ra phương án di chuyển tốt nhất để tiếp cận và dập tắt đám cháy.

“Sản phẩm Robot cứu hỏa mặc dù không mới nhưng giá thành lại rất cao. Do đó, Thái và Thành đặt ra yêu cầu là chế tạo Robot phải đáp ứng được nhu cầu thực tế và có giá thành rẻ. Với ý tưởng đó, 2 nam sinh bắt tay nghiên cứu thực hiện sản phẩm của mình. Để hoàn thiện được mô hình này, Thái và Thành đã phải mất gần 6 tháng miệt mài tìm hiểu và thử nghiệm. Trải qua rất nhiều lần thất bại mới hoàn thành được sản phẩm, tuy nhiên bằng sự nhiệt huyết và niềm say mê khoa học kĩ thuật, cả hai em đều chưa một lần nản chí mỗi khi gặp trở ngại”- Thái nói.

Một số chi tiết bên trong sản phẩm Robot
Một số chi tiết bên trong sản phẩm Robot

Nói về những khó khăn trong quá trình chế tạo sản phẩm, em Võ Đặng Văn Thành tâm sự, khó khăn lớn nhất nằm ở bước đầu tiên khi cả hai bắt đầu tìm hiểu tài liệu tham khảo từ những mô hình robot cứu hỏa của nước ngoài. Riêng hệ thống các mạch điện chưa có nhiều tài liệu trong nước nên một số phần như lập trình mạch, cảm biến nhiệt độ, camera... đều phải tìm hiểu trong tài liệu bằng tiếng Anh nên hơi bất tiện.

“Ngoài ra, thì việc tìm mua một số vật liệu lắp đặt liên quan đến mô hình cũng mất khá nhiều thời gian vì một số vật liệu phải tìm mua ở các thành phố lớn, thậm chí chúng em còn phải đặt hàng từ bên nước ngoài về, nên cũng khá khó khăn và mất thời gian”.- Thành chia sẻ.

Không chỉ mong muốn tạo ra sản phẩm để hỗ trợ những người lính cứu hỏa thực hiện nhiệm vụ hiệu quả trong nhiều trường hợp khó khăn và môi trường khắc nghiệt. Cũng theo tìm hiểu trước đó của hai em, các mô hình Robot chữa cháy của nước ngoài hiện tại có giá thành rất cao, nếu hư hỏng thì chi phí sữa chữa là rất lớn và tốn nhiều thời gian. Vì thế, Thái và Thành còn cố gắng nội địa hóa các thiết bị trong Robot phù hợp với nhu cầu thực tiễn trong nước để giá thành xuống mức thấp nhất có thể. Do đó, toàn bộ chi phí chế tạo Robot chỉ khoảng 20 triệu đồng.

Robot cứu hỏa tiến hành thực nghiệm tại Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi và bước đầu cho thấy đây là sản phẩm khá hữu ích trong công tác phục vụ chữa cháy
Robot cứu hỏa tiến hành thực nghiệm tại Phòng Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi và bước đầu cho thấy đây là sản phẩm khá hữu ích trong công tác phục vụ chữa cháy

Cô Võ Thị Cẩm Hiền, giáo viên trường THPT Trần Quốc Tuấn, người trực tiếp hướng dẫn và đồng hành cùng hai em Thái và Thành trong quá trình chế tạo Robot cho hay, mặc dù về ý tưởng chế tạo mô hình Robot cứu hỏa của hai em rất có ý nghĩa và mang tính thực tế cao. Thế nhưng, cả hai em đều vẫn đang là học sinh lớp 12 cuối cấp chuẩn bị cho kỳ thi Tốt nghiệp và Đại học, dù phải chạy đua với thời gian để cân bằng giữa việc học và việc hoàn thành mô hình, nhưng với niềm đam mê, các em đã không ngừng cố gắng vượt qua những khó khăn nhất để nhận được thành quả xứng đáng.

Thiếu tá Nguyễn Hợp - Phó trưởng phòng cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi, nhận định; Robot cứu hỏa của Thái và Thành đã được thực nghiệm 3 lần tại phòng cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ngãi. Đánh giá bước đầu cho thấy đây là sản phẩm khá hữu ích trong công tác chữa cháy ở những nơi có nhiệt độ cao và địa hình phức tạp. Qua thực nghiệm thì Robot vẫn còn một số điểm cần hoàn thiện hơn nhưng nhìn chung đây là ý tưởng rất hay và có ý nghĩa đối với lực lượng lính cứu hỏa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Hai nam học sinh lớp 12 chế tạo thành công Robot cứu hỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO