Mùa nào cũng vậy, cứ xong vụ gặt, trời bắt đầu đổ mưa giông thì cả làng hầu như ai cũng đổ ra đồng bắt nòng nọc, có người tận dụng cả thời gian chăn trâu để xúc nòng nọc.
Nòng nọc là ấu trùng của ếch, nhái, cóc với nhiều người mới nghe thôi đã “nổi gai ốc”, nhưng đối với người dân vùng cao huyện Ba Tơ nó là món đặc sản. Muốn mua cũng không bán chỉ khách quý mới được thiết đãi…
Với người dân ở huyện miền núi Quảng Ngãi thì nòng nọc là “đặc sản” ngon và bổ dưỡng hiếm có loại đặc sản nào sánh bằng, kể cả thịt trâu, thịt heo, thịt bò hay gà, vịt, cá đều không ngon bằng nòng nọc. Theo đó, chỉ có khách quý mới được người dân nơi đây mang ra chế biến làm món ăn để thiết đãi.
Hôm nay, họ xúc ở thửa ruộng này thì hôm sau sẽ di chuyển đến thửa ruộng khác. Đồ nghề "săn" nòng nọc của họ vô cùng đơn giản là một cái rổ tre, nhựa và cái đụt đan tre đeo bên hông nên bất kỳ ai cũng có thể "săn" được nòng nọc.
Giữa đồng ruộng lai láng nước, người xúc cứ tay thoăn thoắt đưa cái rổ xuống mặt ruộng rồi múc lên, bắt nòng nọc xúc được trong rổ cho vào đụt cho đến khi đầy đụt họ trở về nhà chế biến thành các món ăn.
Theo bà Phạm Thị Huê (34 tuổi), trú ở xã Ba Tô, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Nòng nọc nhiều vô kể trên đồng vào thời gian này. Nòng nọc là do cóc, ếch, nhái sống ở trong rừng, khe suối đẻ ra. Cứ vào mùa mưa là mùa sinh sản của các loài này, gặp mưa giông chúng theo dòng chảy trôi ra đồng ruộng. Nòng nọc cóc có màu đen, màu sáng là của ếch và nhái. Hôm nào nhiều thì xúc được cả kg/người, ít thì 0,5-0,7 kg/người".
Theo nhiều người dân tộc thiểu số Hre ở huyện miền núi Ba Tơ bày tỏ: “Nòng nọc khi bắt về mổ bụng làm sạch, cho vào ít muối chà rửa sạch để ráo nước rồi chế biến thành nhiều món khác nhau như nấu canh với rau rừng. Nòng nọc ướp với sả, ớt rồi xào, nướng… ngọt, giòn, béo, thơm ngậy là món nhậu khoái khẩu của các quý ông”.
Cũng theo bà Huê, ăn thịt heo, thịt bò, thịt trâu hay gà, vịt, cá biển đều không ngon bằng nòng nọc, nó là món "siêu" sạch vì đồng ruộng vùng cao không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Nó cũng là món "siêu" bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, vừa ngon, vừa mát, giúp lợi sữa, còn với các cụ già sẽ giúp dễ ngủ, ngủ ngon giấc.
Vì số lượng nòng nọc bắt được ít nên phần lớn được người dân mang về chế biến làm thức ăn cho gia đình. Thỉnh thoảng hôm nào được nhiều quá thì mới mang ra chợ bán, với giá 70-100.000 đồng/kg.
Ở huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, việc săn bắt, chế biến những món ăn từ nòng nọc đã trở thành một nét văn hóa từ lâu đời. Vào những ngày mưa giông người dân đổ ra những con khe, suối, các cánh đồng để “săn” nòng nọc về chế biến các món ngon, yêu thích.