“Tắc đường” ngư dân
Biển Cửa Đại, sông Phú Thọ (TP. Quảng Ngãi) từ trước đến nay, vốn là cửa biển ra vào cho hơn 2.000 tàu cá các loại của ngư dân 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú, giờ đây đã trở thành những cồn cát do bị sạt lở và bồi lấp nghiêm trọng, khiến việc tàu thuyền qua lại cửa biển hết sức khó khăn. Phần lớn những ngư dân ở đây sau mỗi chuyến đi biển, phải neo đậu tàu nhờ bên các xã lân cận, sau đó, đi xe hàng tiếng đồng hồ mới về được tới nhà, chưa kể đến những chi phí như tiền bến bãi, tiền trông giữ tàu.... Ngư dân Huỳnh Minh Tân, ở xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi than thở: Nhiều năm nay, sông Phú Thọ đẩy cát xuống quá dữ, bãi bồi cứ thế án ngữ tại cửa biển, sau mỗi chuyến biển, tàu của anh phải neo đậu “ké” tại cảng cá Thọ Quang (TP. Đà Nẵng).
Cửa sông bị bồi lấp khiến những người dân mưu sinh bằng nghề buôn bán hải sản phải điêu đứng. Gia đình bà Phạm Thị Ý, sống ở thôn Phổ Trường (xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi) vài năm nay luôn đối mặt với nhiều khó khăn. “Từ đầu năm 2015 đến giờ, tàu cá cứ thưa thớt dần, chỉ còn ghe nhỏ vào được chứ tàu lớn không vào được. Tàu lớn mà không về đây được thì dân đói” – bà Ý than thở.
Cửa sông Phú Thọ liên tục bị bồi lấp |
Bà Võ Thị Lệ Thu - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, TP. Quảng Ngãi cho biết: hơn 90% số dân địa phương sống bằng nghề biển. Những năm gần đây, tình trạng bồi lấp cửa sông Phú Thọ ngày càng nghiêm trọng khiến hàng trăm phương tiện không thể vào ra. Qua 2 lần nạo vét với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng, Cửa Đại, sông Phú Thọ tạm thời thông luồng cho tàu thuyền ra khơi. Tuy nhiên, tình trạng bồi lấp cửa sông Phú Thọ nay đang tái diễn, tàu công suất hơn 150 CV không thể ra vào được mà phải đi nơi khác neo đậu.
Tỉnh Quảng Ngãi có 4 con sông lớn là Trà Bồng, Trà Khúc, Vệ và Trà Câu, ngoài ra còn có các sông Phú Thọ, sông Kinh, sông Thoa….
Trước khi đổ ra biển, các cửa sông này hình thành những vịnh nhỏ, làm nơi neo đậu của hàng nghìn tàu đánh cá. Từ khi các cửa sông bị bồi lấp khiến tàu thuyền của ngư dân không thể ra khơi và vào cửa biển được đã kéo theo một hệ lụy là hàng nghìn lao động thất nghiệp. Lo ngại hơn, vào mùa mưa bão, tàu thuyền của ngư dân không thể neo đậu trú tránh do tình trạng bồi lắng, nhiều tàu cá có công suất lớn phải chạy đi nơi khác trú nhờ, chịu nhiều thiệt thòi, tốn kém.
Loay hoay tìm giải pháp
Lý giải cho tình trạng cửa sông, cửa biển của Quảng Ngãi bị bồi lấp, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân là do hiện tượng triều cường đã xảy ra mạnh bất thường, từ thời điểm cách đây hơn 10 năm tới nay. Sự xê dịch của các dòng hải lưu đã mang cát từ các nơi lân cận đến "lấp" các cửa sông. Trong khi đó, các dòng sông đều cạn kiệt nguồn nước nên lưu lượng nước từ các sông không đủ mạnh để đẩy số cát bồi kia trở ra biển. Đây cũng là hệ quả tất yếu của việc “tận diệt” những cánh rừng đầu nguồn các sông lớn để làm nương rẫy từ nhiều năm qua.
Thêm vào đó, các hồ chứa nước, nơi đầu nguồn các sông lớn đã giữ toàn bộ số nước không cho đổ ra cửa biển nên cát bồi ở các cửa sông là điều tất yếu. Các hồ chứa nước, một mặt mang lại cho nông dân nguồn lương thực dồi dào, nhưng mặt khác, cũng góp phần "sa mạc hoá" các dòng sông mà hậu quả của nó khó lường hết được. Những hiện tượng vừa nêu đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng vạn người. Việc tìm ra những giải pháp để "giải phóng" tàu, thuyền cho ngư dân cả trước mắt lẫn lâu dài là rất khẩn thiết...
Bà Võ Thị Lệ Thu cho biết thêm: “Đối với lạch sông Phú Thọ, trong mùa mưa bão, tháng 9, tháng 10 cứu sông có khả năng bồi lấp hoàn toàn trở lại. Chính quyền địa phương mong muốn cấp trên phải có phương án căn cơ xây dựng kè chống sạt lở cho xã Nghĩa An”.
Ngoài việc nạo vét thông luồng cửa sông Phú Thọ, tỉnh Quảng Ngãi cũng đầu tư hàng tỷ đồng làm kè tạm chống sạt lở tại khu vực phía bờ Nam Cửa Đại. Thế nhưng, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Mỗi năm đến mùa mưa bão, tình trạng bồi lấp cửa sông Phú Thọ và sạt lở bờ biển khu vực thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An thêm nặng nề.
Ông Võ Quang - Phó Chủ tịch UBND TP. Quảng Ngãi cho biết: Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất giải pháp, phương án nạo vét thông luồng cửa sông Phú Thọ đạt hiệu quả lâu dài và ổn định. Qua khảo sát, các đơn vị tư vấn vẫn chưa chọn được phương án nào tối ưu vì địa hình khu vực cửa sông Phú Thọ, xã Nghĩa An phức tạp, luôn bị sóng to, gió lớn nên rất khó cho việc ổn định lâu dài. Theo ông Võ Quang: “Qua các cơ quan tư vấn trên địa bàn tỉnh kiểm tra, dự lường tình hình nhưng không có cơ quan nào làm được. Do đó, UBND thành phố đã báo cáo với UBND tỉnh, tỉnh cũng đã giao lại cho sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu đề xuất với tỉnh để thực hiện. Việc đầu tư căn cơ tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chỉnh trị dòng sông Trà từ Thạch Nham đến Cửa Đại”.
Bài và ảnh: Lan Anh