Quảng Ngãi có 4 huyện/thành phố ven biển và 1 huyện đảo, chiều dài bờ biển trên 130 km với 6 cửa biển lớn nhỏ tàu thuyền có thể ra vào đánh bắt thủy sản. Nghề khai thác thủy sản tỉnh Quảng Ngãi phát triển tương đối mạnh so với các tỉnh ven biển miền Trung, trong đó đội tàu khai thác xa bờ đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Quảng Ngãi cũng là một trong những địa phương có số lượng tàu cá bị bắt giữ nhiều nhất do xâm phạm vùng biển nước ngoài. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, có 98 lượt tàu cá Quảng Ngãi bị các nước kiểm soát, bắt giữ, xử lý. Ngay sau khi Chính phủ triển khai Công điện 732 ngày 28/5/2017, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trong cả nước giảm rõ rệt.
Ngư dân Phạm Ngọc Chí,xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ, đánh bắt cá ở ngư trường nước ngoài thu nhập khá hơn so với đánh bắt ở địa phương. Nhưng khi đikhi đi thì bị vi phạm pháp luật nước ngoài bị người ta nhốt tù và mất mát của cải thấy lớn lao quá nên không đi nữa.
“Chừ bà con ở đây đã nói không với chuyện đưa tàu sang vùng biển nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp. Bây giờ cũng về bám biển ở Việt Nam mình thôi, chủ yếu là ở Trường Sa và Hoàng Sa”- ngư dân Phạm Ngọc Chí cho biết.
Ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngư dân đã nâng cao ý thức trách nhiệm khi hoạt động trên biển. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, ngư dân trong nghiệp đoàn đã hiểu được quyền lợi cũng như giá trị sản phẩm hải sản không khai thác trái phép khi xuất khẩu sang các nước.
“Chúng tôi đã xác định là quy định của EU rất nghiêm ngặt, nếu chúng ta tiếp tục vi phạm họ đã xử lý thẻ vàng mà khi họ trao thẻ đỏ thì chúng ta mất hết quyền lợi thì cuộc sống ngư dân chúng ta lúc đó mới thấy được nỗi khổ. Chính vì vậy mà để đảm bảo quyền lợi cũng như giá trị sản phẩm hải sản khi xuất nhập sang các nước thì phải chấp hành không khai thác trái phép”- ông Nguyễn Quốc Chinh khẳng định.
Đến nay, hơn 5.500 tàu cá với gần 40.000 ngư dân Quảng Ngãi đã nghiêm túc trong việc khai thác đúng ngư trường truyền thống, không có trường hợp tàu cá và ngư dân nào vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác trái phép. Nhờ vậy, tỉnh Quảng Ngãi đã thực hiện thắng lợi và đúng cam kết với Chính phủ trong việc chấm dứt được nạn đánh bắt bất hợp pháp của ngư dân.
Để có được thành công trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trên biển của ngư dân, hướng ngư dân khai thác đúng ngư trường, từ sau các chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn để ngăn chặn tình trạng ngư dân đưa tàu cá sang nước ngoài đánh bắt bất hợp pháp.
Năm 2018, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã tước giấy phép hành nghề khai thác thủy sản vĩnh viễn, không cho phép sang tên đổi chủ đối với chủ tàu cá QNg 90518 TS do hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển của Úc để khai thác thủy sản. Đổng thời, không xem xét hỗ trợ, không cho vay vốn theo chính sách của nhà nước đối với 2 chủ tàu cá mang số hiệu QNg 90945 TS và tàu cá QNg 96697 TS vì đã vi phạm vùng biển của New Caledonia và bị cơ quan chức năng Caledonia bắt giữ.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã tập trung cho công tác truyền thông, phổ biến các quy định trong khai thác IUU, nhất là tại những địa phương có ngư dân thường xuyên có ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài như tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn và huyện đảo Lý Sơn.
Trong đó, có cả chương trình hợp tác quốc tế, cụ thể là hợp tác với cơ quan chức năng của Úc để tuyên truyền cho ngư dân đánh bắt có trách nhiệm. Thành lập các văn phòng kiểm soát nghề cá để tăng cường việc quản lý tàu cá, tăng cường công tác kiểm soát tàu cá ra khơi.
Ông Nguyễn Tăng Bính - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: từ cuối năm 2017 đến nay, tại tỉnh Quảng Ngãi không có một tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngư trường chính yếu mà giờ đây mà ngư dân Quảng Ngãi chọn để mưu sinh là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, Quảng Ngãi đã bước đầu thực hiện thắng lợi một trong những yêu cầu của Ủy ban Châu Âu trong khai thác IUU, đó là không đánh bắt bất hợp pháp trên biển.
“Vấn đề quan trọng nhất là bây giờ tiếp tục quản lý ngư dân, ngư dân phải nhận thức cho được là không khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngư dân phải có trách nhiệm hơn trong việc đánh bắt”- ông Nguyễn Tăng Bính cho biết.