Quanh năm dùng nước bẩn
Xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi giống như một bán đảo, trước biển sau sông nên hầu hết các nguồn nước của người dân đều bị nhiễm phèn và nhiễm mặn rất nặng. Để có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, nhiều gia đình phải bỏ tiền đầu tư xây dựng bể lọc khử phèn, khử mặn nhưng vẫn không khắc phục được. Nước vẫn đục ngàu, vàng như màu nghệ, tanh chua và không thể sử dụng. Lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân đành phải mua nước lọc trong bình về uống và nấu ăn, còn nước giếng chỉ để tắm giặt.
Nguồn nước nhiễm mặn, nhiễm phèn nhưng người dân vẫn phải “bấm bụng” sử dụng |
Bao năm qua, gia đình bà Nghiêm Ngọc Hà ở xã Tịnh Kỳ luôn thiếu nước sạch sinh hoạt. Nguồn nước từ giếng đóng trong làng bị ô nhiễm nặng nhưng hàng ngày bà cũng như hàng ngàn người dân trong thôn vẫn phải sử dụng cho tắm, giặt. Riêng nước ăn, uống, mỗi tháng phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng đi mua nước từ nơi khác về dùng. Bà Hà than thở: “Giếng ở đây nhiễm mặn hết rồi đó, tắm nó cũng rít, có người không có nước mà dùng. Bà con ngóng từng ngày trông cho nước sạch về chứ bây giờ nó nhiễm mặn hết như thế này thì làm sao dùng được”
Ông Nguyễn Xí - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ cho biết: Hiện có tới gần 80% dân số của xã phải sống trong cảnh thiếu nước. Năm nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Tịnh Kỳ diễn ra trầm trọng hơn do lượng mưa ít. Trước mắt, địa phương vận động nhân dân sử dụng nước ở các bể lọc đồng thời kiến nghị TP. Quảng Ngãi nghiên cứu để có hướng giải quyết nguồn nước sạch cho người dân sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Xã cũng chưa có phương án khắc phục nào, vì giếng ở đây hầu hết đều bị nhiễm mặn và nhiễm phèn.
Tại huyện Lý Sơn, bà Phạm Thị Hương- Phó Chủ tịch UBND huyện nói việc thiếu nước sinh hoạt ngày càng bức thiết với huyện đảo, nhất là các mạch nước ngầm bị nhiễm mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các giếng nước.
Ngoài các địa phương nói trên, tại một số xã ven biển như Bình Chánh, Bình Hải (huyện Bình Sơn), Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP. Quảng Ngãi)... cũng đang trong tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt. Năm nay, mùa mưa đến muộn càng khiến tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên trầm trọng.
Cần lắm công trình nước sạch
Câu chuyện người dân vùng ven biển phải bỏ tiền đi mua nước ngọt về sinh hoạt hàng ngày đã kéo dài nhiều năm như “điệp khúc” muôn thuở. Mong ước có một công trình cung cấp nước sạch để cải thiện cuộc sống của người dân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ông Ngô Quang Tập ở xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi tâm sự: “Toàn là nước nhiễm phèn nên chúng tôi chỉ có dùng để tắm và giặt thôi, còn nước uống là phải mua. Nguyện vọng rất muốn đưa nước sạch về cho dân.”
Ông Lê Văn Minh- Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, cho biết toàn tỉnh có 21 xã bãi ngang ven biển, hằng năm có khoảng 100.000 người dân thiếu nước sinh hoạt đặc biệt vào mùa hạn, người dân phải bỏ tiền mua nước khoảng 20.000 đồng/m3, gấp bốn lần so với giá nước sinh hoạt ở thành phố. Thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các địa phương ven biển và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng 26 công trình nước sạch. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 52.000 người trong tổng số hơn 263.000 người được sử dụng nước sạch. Nguyên nhân là thiếu nguồn vốn để đầu tư. Năm 2015, tổng vốn đầu tư cho nước sạch chỉ bằng 60% năm 2014. Một số công trình đã được phê duyệt nhưng mà do không có vốn để bố trí cho nên các công trình này vẫn chưa triển khai xây dựng được để cung cấp nước cho người dân.
“Hiện Trung tâm ưu tiên đầu tư các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho những vùng đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt, nhất là vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt vệ sinh cho dân cư nông thôn sống ở vùng bãi ngang, vùng ven biển bị nhiễm mặn, nhiễm phèn”- ông Minh cho biết.
Để giải bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân huyện Lý Sơn, mới đây Qũy viện trợ không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ xây dựng nhà máy khử mặn, tạo nước ngọt cho người dân với kinh phí dự kiến là 260 tỷ đồng vào tháng 12/2015. Nhà máy có công suất 2.000m3/ngày đêm và đặt tại đảo Lớn (xã An Vĩnh và An Hải), đủ để cung cấp lượng nước ngọt cho hơn 16.000 người dân trên đảo lớn của huyện đảo Lý Sơn.
Các vùng bãi ngang ven biển đang từng ngày chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của biến đổi khí hậu, cùng với đó hoạt động sản xuất của dân cư ven biển không theo quy hoạch, dẫn đến tình trạng nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng, khiến nguồn nước ngọt cạn kiệt dần. Về lâu dài rất cần có sự đầu tư đồng bộ hệ thống nước sạch để phục vụ nhu cầu cho người dân ven biển tỉnh Quảng Ngãi.
Bài và ảnh:Võ Hà