Quảng Ngãi: Bất cập trong quản lý, khai thác nước ngầm ven biển

06/06/2016 00:00

(TN&MT) - Do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, người dân tự phát xây hồ nuôi tôm, đào giếng nên nguồn ngầm ven biển tỉnh Quảng Ngãi đang bị suy kiệt, dẫn đến nguy cơ nước mặn xâm nhập và "vỡ" túi nước ngọt.

Việc khai thác tài nguyên nước ồ ạt dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn nước ngầm tại Quảng Ngãi
Việc khai thác tài nguyên nước ồ ạt dẫn đến nguy cơ suy giảm nguồn nước ngầm tại Quảng Ngãi

Suy giảm nguồn nước ngầm

Thời gian gần đây, do hạn hán kéo dài nên hoạt động khai thác nước ngầm diễn ra tràn lan. Tại xã ven biển Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, việc khoan giếng diễn ra ồ ạt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Số lượng giếng ngày càng tăng khiến nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, hoặc nhiễm phèn, mặn nặng. Thời điểm này, nhiều giếng đào đã cạn nước. Đến mùa hè, tình hình thiếu nước diễn ra càng gay gắt hơn. Một người dân ở thôn Thanh Thủy cho hay: “Càng khai thác nước ngầm, càng làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước”.

Năm nay lượng mưa ít, đến thời điểm này nhiều giếng đào ở các xã ven biển của tỉnh Quảng Ngãi đã cạn trơ đáy, bỏ hoang. Ông Phạm Văn Phong, thôn Xuân Hòa, xã Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi) chia sẻ: Nắng nóng kéo dài, ít mưa nên mới đầu tháng 5, giếng chỉ còn độ vài thùng nước. Nước giếng mỗi ngày mỗi ít, lại chuyển sang có mùi phèn, vị lợ vì số hồ nuôi tôm bùng phát, dẫn nước mặn vào làm ảnh hưởng đến nguồn nước.

Bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ chỗ Lý Sơn chỉ có 132 giếng khoan và hơn 400 giếng đào, đến nay, sau khi có điện lưới quốc gia, người dân đã ồ ạt khoan giếng, nâng tổng số giếng khoan lên hơn 1.000 cái. Mật độ giếng khoan hiện nay trên đảo Lý Sơn đã quá dày, cùng với đó là sức nóng của những công trình bê tông hóa khiến nước mưa không thẩm thấu, cứ rơi xuống là chảy tuột vào cống, thoát ra biển khiến Lý Sơn vốn đã không chủ động được nguồn nước, nay lại mất đi lượng nước ngọt đáng kể. Việc khai thác nước ngầm quá mức đã gây nhiễm mặn tầng chứa nước. Xung quanh đảo bị nhiễm mặn với diện tích hơn 1,6 km2 tính từ mặt biển vào. Kết quả điều tra cho thấy, trữ lượng nước ngầm của huyện đảo Lý Sơn khoảng 26.300 m3, nhưng nay đã khai thác khoảng 22.000m3.

Nguồn nước ngọt cạn kiệt không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn khiến người nuôi tôm phải điêu đứng. Mạch nước ngầm ở đây đã dần cạn kiệt và nhiễm mặn, nhiễm phèn nên nguồn nước không đảm bảo. Ông Đoàn Tư Hiền - Phó Giám đốc Trung tâm giống thủy sản tỉnh cho biết: “Lâu nay, người dân vùng nuôi trồng thủy sản, mà chủ yếu là nuôi tôm trên cát đều đóng giếng tại chỗ và sử dụng mạch nước ngầm này để bơm trực tiếp lên hồ tôm. Việc làm này đã dẫn đến nhiều hệ lụy vì nếu khai thác nhiều quá sẽ khiến cho mạch nước ngầm bị cạn kiệt và các vi khoáng có trong nước cũng sẽ mất dần, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của con tôm.”

Cấp bách bảo vệ nguồn nước

Sự hình thành mạch nước ngầm có thời gian rất lâu. Nước ngầm có vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển bền vững. Nước tích tụ trong các lớp đất đá dưới lòng đất thông qua các tế khổng. Tế khổng lớp đất mặt bị bốc hơi, cây hấp thụ, phần còn lại trực di xuống các lớp nham thạch trong lòng đất làm bão hòa các lổ hổng bên trong, khiến cho các lớp đá này ngậm nước tạo nên mạch nước ngầm. Quá trình này diễn ra từ vài chục đến hàng trăm năm.

Ông Phan Mùa, Trưởng phòng Khoáng sản – Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Ngãi) thừa nhận: Vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước. Công tác kiểm tra, hậu kiểm tra chưa được thực hiện, vì vậy không có cơ sở để cảnh báo, ngăn chặn, khắc phục hiệu quả suy giảm nguồn nước. Ngoài ra, công tác khoanh vùng, công bố vùng cấm, vùng hạn chế, khai thác nguồn nước ngầm cũng chưa được công bố

Nhằm giảm thiểu nguy cơ suy kiệt nguồn nước ngầm ven biển, trước mắt Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ điều tra, quan trắc và tiến hành khoanh vùng bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm. Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành; các đơn vị địa phương phải bảo vệ diện tích rừng ngập mặn, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước. Đồng thời tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng khoan, đào giếng trái phép cũng như ngăn chặn việc khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

Việc đào hồ nuôi tôm ở ven biể mà chưa quy hoạch dẫn đến chất lượng nguồn nước ngầm bị suy thoái
Việc đào hồ nuôi tôm ở ven biể mà chưa quy hoạch dẫn đến chất lượng nguồn nước ngầm bị suy thoái

Ông Võ Xuân Cẩm ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ nguồn nước tại địa phương: “Trên địa bàn xã có cửa biển lớn nên dễ bị nước mặn xâm nhập, nhưng nhờ rừng dương đã giúp ngăn mặn, giữ nước ngọt. Không riêng gì vùng ven biển, nơi nào giữ được rừng là giữ được mạch nước ngầm”. Ngoài tuyên truyền giữ rừng dương ven biển, trong các cuộc họp dân ở Phổ Quang chính quyền đã lồng ghép về tuyên truyền sử dụng tiết kiệm nước.

Trước nguy cơ suy giảm nguồn nước ngầm ở các địa phương ven biển tỉnh Quảng Ngãi, các chuyên gia khuyến cáo: Nếu chính quyền và người dân không sớm có biện pháp quản lý, bảo vệ và khai thác nước tiết kiệm thì, chỉ vài năm nữa, nước biển xâm nhập, gây nhiễm mặn và gia tăng nguy cơ sụt lún.

Bài & ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Bất cập trong quản lý, khai thác nước ngầm ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO