Bãi rác Nghĩa Kỳ quá tải, gây ô nhiễm môi trường |
Tỉnh Quảng Ngãi có 2 bãi xử lý rác thải sinh hoạt Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa và Đồng Nà, TP. Quảng Ngãi. Trong đó, bãi rác Đồng Nà đã đóng cửa từ tháng 4/2017 vì không đảm bảo các yếu tố về môi trường. Do đó, lượng rác thải sinh hoạt của huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và TP. Quảng Ngãi đều được tập trung về bãi xử lý rác Nghĩa Kỳ.
Theo thiết kế, bãi rác Nghĩa Kỳ bao gồm: 3 hố chôn lấp rác thải, hệ thống thu gom nước rỉ rác, hệ thống xử lý nước rác, khu nhà điều hành, trạm bơm nước,… được đưa vào sử dụng vào tháng 6/2011, với tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng. Trung bình mỗi ngày bãi rác này sẽ tiếp nhận, xử lý khoảng 85 tấn rác thải cho 10 xã, phường của TP. Quảng Ngãi. Tuy nhiên, năm 2016 bãi rác Nghĩa Kỳ phải tiếp nhận thêm lượng rác thải của một số huyện khác trong tỉnh Quảng Ngãi. Đến tháng 4/2017, thời điểm bãi rác Đồng Nà đóng cửa thì bãi rác Nghĩa Kỳ tiếp nhận, xử lý rác cho 4 huyện, thành phố trong tỉnh Quảng Ngãi với khối lượng trên 300 tấn rác thải mỗi ngày
Người dân sống xung quanh bãi rác Nghĩa Kỳ bức xúc và không ngừng kiến nghị khi lượng rác đổ về quá nhiều, bãi rác quá tải khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn vì mùi hôi thối bốc bay xa hàng km. Cùng với đó nguồn nước rỉ thải ở bãi rác và nước rỉ rác từ các các xe chở rác rơi vãi chưa được kiểm soát cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường trong khu vực.
“Rác từ khắp nơi đều đổ về đây. Xe chạy mỗi ngày, chở theo rác cùng bụi bặm tiếng ồn. Mỗi khi gió thổi mạnh, mùi hôi thối, xú uế bay xa hàng km, xộc thẳng vào nhà dân. Người dân ở đây ăn không ngon, ngủ không yên vì ô nhiễm. Chỉ mong sao chính quyền nhanh chóng có giải pháp để người dân bớt khổ”- ông Nghiêm Văn Hà, người dân thôn An Hội Nam 2, xã Nghĩa Kỳ bức xúc.
Hiện tại, bãi rác Nghĩa Kỳ ở hố số 1 và 2 đã đầy và được xử lý chôn lấp. Còn hố số 3 có dung tích 64.000 m3 bắt đầu đổ rác từ tháng 6/2017. Với khối lượng rác phải tiếp nhận như hiện nay thì đến hết tháng 10/2017 hố số 3 sẽ đầy. Trong khi đó, dự án nhà máy xử lý rác tại 11,8 ha còn lại của bãi rác Nghĩa Kỳ của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển xây dựng miền Bắc vẫn “nằm trên giấy”. Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ngãi còn cho phép Công ty Cổ phần thương mại và dịch vụ Bắc Giang đầu tư Dự án Nhà máy rác Đồng Nà (thành phố Quảng Ngãi) với diện tích đất sử dụng khoảng 5 ha, công suất xử lý khoảng 200 tấn rác/ngày đêm, tổng mức đầu tư khoảng 85 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 4/2018 sẽ đưa vào vận hành. Tuy nhiên, dự án này cũng nằm trong giai đoạn chuẩn bị triển khai.
Nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường từ rác thải ùn ứ ở Quảng Ngãi đang ở mức báo động |
Ông Trương Minh Khương- Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi thừa nhận, hệ thống xử lý nước rỉ rác bên trong bãi rác chưa được đầu tư nên nước thải ra môi trường chưa được xử lý. Đơn vị cũng chỉ cố gắng không để nước thải từ khu xử lý rác thải không tràn ra môi trường.
“Mùa mưa bão cận kề, lượng rác thải sinh hoạt tăng đột biến từ 300 lên 340 tấn phải xử lý mỗi ngày. Hố chôn lấp số 3 lấp đầy thì đơn vị không biết thu gom rác thải phải đổ đi đâu. Nguy cơ rác thải ùn ứ tràn ra đường gây ô nhiễm ở khu vực đô thị và vùng ven thành phố là rất lớn”- ông Khương lo lắng.
Ông Nguyễn Đăng Lộc- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Quảng Ngãi cho biết, trước tình thế cấp bách nhằm giải quyết tình trạng quá tải ở bãi rác Nghĩa Kỳ, Sở đã kiến nghị UBND tỉnh cho phép đặc cách cho nhà đầu tư xây hố lưu trữ rác để xử lý tạm đến đầu năm 2018.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi, giải pháp đưa ra là như vậy nhưng chưa biết nhà đầu tư có đồng ý thực hiện xây dựng hố chôn rác tạm hay không; chưa kể việc làm hố chôn rác tạm nếu để lộ thiên không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cũng rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Trước đó, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Ngãi từng bị Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên Môi trường) phạt gần 300 triệu đồng vì xử lý rác thải tại công trình không đảm bảo tiêu chuẩn.
Khi các dự án xây dựng các nhà máy xử lý rác thải vẫn còn nằm trên giấy thì không bao lâu nữa, khu xử lý rác thải ở bãi rác Nghĩa Kỳ sẽ không còn chỗ chứa. Nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường từ rác thải ùn ứ ở Quảng Ngãi đang ở mức báo động.
Bài, ảnh:Lan Anh