Quảng Nam: Ưu tiên thành lập Hợp tác xã quản lý chợ, xã viên là tiểu thương kinh doanh tại chợ

23/01/2019 15:31

(TN&MT) - UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành Quy định về chuyển đổi mô hình từ Ban quản lý, Tổ quản lý, xã, phường, thị trấn quản lý hoặc tư nhân quản lý chợ sang mô hình Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác chợ trên địa bàn tỉnh.

Khi lập kế hoạch chuyển đổi, phải lấy ý kiến của các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ và phải có sự đồng thuận từ 2/3 trở lên trong tổng số tiểu thương trong chợ
Khi lập kế hoạch chuyển đổi, phải lấy ý kiến của các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ và phải có sự đồng thuận từ 2/3 trở lên trong tổng số tiểu thương trong chợ

Quy định được áp dụng cho các chợ đang hoạt động do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Các chợ được xây dựng mới theo quy hoạch bằng nguồn vốn không thuộc nhà nước, được huy động từ các thành phần kinh tế khác không thuộc đối tượng phải chuyển đổi.

Kế hoạch chuyển đổi chợ bao gồm: Nội dung về thực trạng các chợ; thời gian chuyển đổi; phương thức chuyển đổi đối với từng chợ trên địa bàn; thời hạn triển khai tổ chức thực hiện của các tổ chức, đơn vị liên quan. UBND cấp huyện chịu trách nhiệm xây dựng phương án chuyển đổi các chợ trên địa bàn được giao quản lý.

Theo đó, đối với các chợ thuộc địa bàn các phường, thị trấn và chợ có sử dụng khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao thuộc địa bàn xã sẽ thực hiện theo phương thức đấu thầu, lựa chọn Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Đối với các chợ còn lại, thực hiện theo phương thức giao Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý, kinh doanh khai thác chợ (ưu tiên thành lập Hợp tác xã quản lý chợ trong đó xã viên là các tiểu thương kinh doanh tại chợ).

Quảng Nam khuyến khích việc thành lập Hợp tác xã quản lý chợ, trong đó xã viên là tiểu thương kinh doanh tại chợ
Quảng Nam khuyến khích việc thành lập Hợp tác xã quản lý chợ, trong đó xã viên là tiểu thương kinh doanh tại chợ

Khi chuyển giao cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã quản lý và điều hành chợ phải chuyển giao nhân sự của Ban quản lý chợ cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã tiếp nhận sử dụng. Những cán bộ thuộc biên chế nhà nước do UBND cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển giao hay không chuyển giao cho Doanh nghiệp, Hợp tác xã và giải quyết các chính sách, chế độ phù hợp theo quy định.

Phương án chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phải được thông tin rộng rãi đến các hộ kinh doanh buôn bán tại chợ, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở UBND cấp xã, hoặc Ban quản lý chợ tiến hành chuyển đổi. Ban quản lý, Tổ quản lý chợ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, lấy ý kiến của các tiểu thương đang kinh doanh trong chợ, điều kiện phải có sự đồng thuận từ 2/3 trở lên trong tổng số tiểu thương trong chợ trước khi thực hiện các bước tiếp theo theo quy định, nhằm hạn chế tối đa những tác động làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh tại chợ và tạo được sự đồng thuận cao.

Quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phải công khai, minh bạch, theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt, bảo đảm ổn định xã hội, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, bảo đảm phát triển theo mô hình nông thôn mới; các chế độ, quyền lợi hợp pháp của người lao động thuộc Ban quản lý chợ, Tổ quản lý chợ và các hộ hiện đang kinh doanh tại chợ; đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước và hiệu quả kinh tế - xã hội của chợ sau khi chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Ưu tiên thành lập Hợp tác xã quản lý chợ, xã viên là tiểu thương kinh doanh tại chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO