Quảng Nam: Tăng cường bảo vệ đàn Voọc chà vá chân xám quý hiếm

11/08/2017 00:00

(TN&MT) - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị vừa trình lên UBND tỉnh về những giải pháp nhằm bảo vệ đàn Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành.

Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu của Việt Nam, được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Thế giới
Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu của Việt Nam, được xếp hạng bảo vệ ở mức cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Thế giới

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đàn Voọc chà vá chân xám tại Hòn Dồ, thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành đã được Chi cục Kiểm lâm phát hiện theo dõi từ những năm 2000. Tuy nhiên, sinh cảnh sống của loài này bị tác động mạnh do hoạt động của cộng đồng và nạn phá rừng. Qua khảo sát và đánh giá thì hiện nay đàn Voọc này có khoảng 16 - 20 cá thể sinh sống biệt lập trên diện tích rừng tự nhiên nghèo khoảng hơn 05 ha (khoảnh 6, 7 tiểu khu 617) và đang chịu áp lực tác động của người dân địa phương rất lớn (do sinh cảnh bị thu hẹp, xung quanh là rừng trồng của người dân), ảnh hưởng của thời tiết lạnh vào mùa mưa (con non thường bị chết cóng).

Để bảo tồn và phát triển đàn Voọc chà vá chân xám tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Sở NN&PTNT tỉnh đưa ra nhiều giải pháp như: Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo vệ rừng, môi trường sống của động vật cũng như theo dõi, giám sát quần thể Voọc tại đây.

Trước mắt, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra và nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ thiên nhiên nhằm ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa đến các loài động vật hoang dã nói chung và loài Voọc chà vá chân xám nói riêng. Đồng thời, tăng cường bảo vệ diện tích rừng hiện có, giảm tác động của việc phá rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng có tác động đến rừng để hạn chế việc chia cắt sinh cảnh; tổ chức thực hiện việc bảo tồn và phục hồi rừng ở những khu vực rừng bị mất bằng các loài cây bản địa, đặc biệt là những loài cây được xác định là nguồn thức ăn của Voọc, ưu tiên bảo tồn tại chỗ đàn Voọc đang phân bố tại xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành; xây dựng phương án phục hồi dải rừng từ khu vực có phân bố đàn Vọoc tại xã Tam Mỹ Tây lên thượng nguồn rừng phòng hộ Phú Ninh giáp với xã Tam Trà, huyện Núi Thành và các khu vực rừng giáp ranh với huyện Bắc Trà My, Tiên Phước kết nối với khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Ngãi để đàn Voọc chà vá chân xám tại Tam Mỹ Tây tự di chuyển hòa nhập với các đàn khác đang được phân bố và sinh sống tại khu vực này hoặc tạo một sinh cảnh rộng lớn để loài Voọc sinh sống và phát triển.

Các cấp, các ngành cần có những chính sách để hỗ trợ cộng đồng trong khu vực nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực vào rừng như xây dựng và phát triển các chương trình, dự án tạo thêm thu nhập và nâng cao điều kiện sống cho cộng đồng địa phương; hỗ trợ các cấp chính quyền và cộng đồng trong công tác lập kế hoạch cho việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Cần xây dựng quy chế, chương trình hỗ trợ cụ thể nhằm đảm bảo các điều kiện để tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn, phát triển loài Voọc chà vá chân xám trên địa bàn.

Các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến về các chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nói chung và loài Voọc chà vá chân xám nói riêng đến các khu vực loài xuất hiện để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư địa phương về tầm quan trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn loài Voọc chà vá chân xám.

Sở NN&PTNT tỉnh đề nghị UBND tỉnh thống nhất chủ trương xây dựng đề án phục hồi sinh cảnh rừng (khoảng 80 ha) kết nối từ xã Tam Mỹ Tây đến xã Tam Trà huyện Núi Thành để tạo sinh cảnh cho đàn Vọoc chà vá chân xám sinh sống tại nơi đang phân bố (khu vực thượng nguồn rừng phòng hộ Phú Ninh).

Tin, ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Tăng cường bảo vệ đàn Voọc chà vá chân xám quý hiếm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO