Vành đai xanh chắn sóng
Rừng dừa Bảy mẫu Cẩm Thanh – vùng sinh thái quan trọng của vùng hạ lưu sông Thu Bồn có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống nhân dân trước những tác động khôn lường của thiên tai. Những năm trước đây, do việc người dân tự phát đào ao nuôi tôm tràn lan, diện tích rừng dừa nước ở Cẩm Thanh đã bị suy giảm. Vào mùa mưa bão, vùng đất này liên tục bị ngập lụt và xói lở. Nhờ dự án "Phục hồi và bảo tồn rừng dừa nước Cẩm Thanh phục vụ du lịch sinh thái và phát triển bền vững” với nguồn kinh phí gần 2 tỷ đồng do Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam tài trợ cùng vốn đối ứng của UBND TP. Hội An triển khai, nhiều diện tích dừa nước đã được khôi phục và mở rộng từ sự cần cù và năng động của người dân địa phương. Tham gia dự án, bà con đã tích cực tham gia trồng 3.000 cây dừa nước, với mong muốn tăng dày mật độ loài cây này tại những vùng đất trống để ngăn sóng cho bãi bồi không bị xói lở, nhất là vào mùa lũ lụt. Đến nay, diện tích dừa không ngừng được mở rộng và hiện đã lên tới 84 ha.
Ông Trần Rô, hội viên nông dân xã Cẩm Thanh, TP. Hội An chia sẻ: “Trồng dừa nước ở Cẩm Thanh này, trước hết để bảo vệ, ngăn dòng chảy, chống sóng, chống sạt lở để đảm bảo cho bà con an cư lạc nghiệp trên địa bàn không sợ những vấn đề gì khi mưa lũ, lụt, vừa trong sạch môi trường và cái thuận lợi nhất là sau này khi cây già lá chính bà con được gặt hái để phát triển kinh tế”.
Ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hội An cho biết: “Rừng dừa nước Cẩm Thanh vừa có tác dụng chắn gió, chắn sóng vừa có tác dụng đối phó với mực nước biển hiện dâng cao, bão càng ngày càng lớn. Nó giữ được yên bình cho nhân dân Cẩm Thanh và cả vùng trước thiên tai, lũ lụt. Tôi nghĩ rằng âu trú bão ở Vạn Lăng (Cẩm Thanh) là âu trú bão hiệu quả khi mà mùa bão ngư dân vào trong rừng dừa, đậu cả hàng ngàn chiếc thuyền lớn nhỏ nhưng không có chiếc thuyền nào bị chìm, bị vỡ”.
Gắn kết khai thác với bảo vệ
Hiện nay, khoảng 90% lao động nông dân ở Cẩm Thanh phụ thuộc rất lớn vào các nguồn lợi thủy sản và nghề thủ công tạo sản phẩm từ cây dừa nước cùng các hoạt động du lịch dịch vụ khác. Giá trị của dừa nước được nâng lên nhanh chóng do nhu cầu về các sản phẩm từ dừa nước tăng lên phục vụ du lịch, tạo ra sản phẩm độc đáo từ các ngôi nhà dừa, dù dừa hoặc trang chí cho các nhà hàng, quán bar với doanh thu hàng năm toàn xã đạt hơn 8 tỷ đồng. Cùng với đó, những mô hình du lịch cộng đồng đưa du khách trải nghiệm cuộc sống trong rừng dừa cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Thu nhập bình quân đầu người của Cẩm Thanh hiện đạt 23 triệu đồng/ người/ năm và xã phấn đấu trở thành xã nông thôn mới vào cuối năm 2015.
Hiện tại, hoạt động buôn bán các sản phẩm từ lá dừa ở xã Cẩm Thanh đã được mở rộng ra các tỉnh thành lân cận. Do đó dừa nước cũng bị khai thác nhiều hơn, với 2 – 4 lần cắt lá trong năm. Thêm vào đó, dừa nước ở Cẩm Thanh vẫn có nguy cơ suy thoái do khai thác không bền vững, tác động của biến đổi khí hậu như nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và ô nhiễm môi trường hoặc người dân chuyển đổi thành các hồ nuôi tôm. Vì vậy, thành phố Hội An đã định hướng phát triển Cẩm Thanh theo hướng làng quê sinh thái đặc thù gắn với du lịch dịch vụ, trong đó, việc khai thác gắn kết chặt chẽ với các hoạt động bảo tồn và mở rộng diện tích rừng dừa, nhất là tại các vùng ngập nước và vùng bị xói lở, qua đó ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì vùng lõi cho khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, tạo điều kiện cho bà địa phương con có sinh kế bền vững, lâu dài.
Trong 15 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn Quảng Nam, Dự án tái tạo, phục hồi, phát triển rừng dừa Cẩm Thanh kết hợp đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng với tổng kinh phí 7,5 tỷ đồng đang được gấp rút hoàn thành. Dự án góp phần quan trọng để Hội An ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ di sản, phát triển kinh tế bền vững.
Ông Lê Thanh- Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, giữ gìn, phát triển rừng dừa nước không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược đa dạng hóa sinh thái vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm mà còn là hướng đi đúng đắn trong hành trình mở rộng không gian du lịch của Thành phố Hội An. Hoạt động này cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội cho người địa phương có sinh kế lâu dài bền vững, cùng chung tay xây dựng thành công thành phố sinh thái đầu tiên trên cả nước như mục tiêu mà Hội An đã và đang thực hiện.
Bài và ảnh: Lan Anh – Quỳnh Anh