Ô nhiễm vẫn “rình rập”
Theo Ban Quản lý các KCN Quảng Nam, hiện, KCN Đông Quế Sơn đang trong giai đoạn tăng tốc, khu xử lý nước thải chuẩn bị hình thành. Như vậy, Quảng Nam đã nâng số KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường lên 5 KCN, chiếm tỷ lệ 83,3%, bao gồm: KCN Điện Nam - Điện Ngọc, Tam Hiệp, Tam Thăng, Bắc Chu Lai và Đông Quế Sơn.
Nhiều nhà máy xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm |
Tại KCN Tam Thăng, nơi có nhà máy dệt nhuộm mà Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã từng lên tiếng cảnh báo về những thách thức đối với môi trường. Xử lý nước thải trong ngành nhuộm đòi hỏi chi phí rất lớn, không phải tất cả nhà đầu tư đều có vốn để làm. KCN Tam Thăng được đầu tư nhà máy xử lý nước thải 28.000m3/ngày đêm đã trấn an tinh thần về cảnh báo ô nhiễm của nhà mày dệt.
Khi bước chân vào cổng KCN Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam) đập vào mắt đầu tiên là những con đường rợp bóng cây xanh tạo không khí trong lành. Điều ngạc nhiên tiếp đến là nhà máy xử lý nước thải 5.000m3/ngày đêm được xây dựng cách KCN này 500m. Trên mặt nước của các bể chứa trước khi thải ra ngoài mọc đầy những bè bèo Tây, có cả cá trắm cỏ, rô phi, diêu hồng… bơi lượn trong bể.
Mặc dù, có nhiều thành tích tốt nhưng kết quả qua các đợt kiểm tra cho thấy toàn tỉnh Quảng Nam chỉ có 5 KCN và 3 CCN được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tình trạng môi trường không khí, nước thải, mùi hôi tại các KCN vẫn tiếp tục xảy ra. Nhiều nhà máy ở KCN Điện Nam - Điện Ngọc khói bụi vẫn hoành hành, nước thải chế biến thủy hải sản, sản xuất giấy vẫn tăng nhanh.
Hầu hết, khu vực này đều chưa đủ năng lực tài chính đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên đổ thẳng ra tự nhiên là điều không tránh khỏi. Người dân Điện Bàn, Đại Lộc rất bức xúc về cảnh khói bụi bám đầy nhà, mùi hôi bốc lên nồng nặc.
Loại bỏ những dự án gây ô nhiễm
Hiện nay, trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Quảng Nam, vấn đề quan tâm đầu tiên các nhà đầu tư, xúc tiến và các quan chức, đoàn kiểm tra là môi trường. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu, dù đã kiểm soát nhưng vẫn lọt lưới những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Quan điểm của chính quyền là tránh lặp lại những sai lầm này. Hiện, phải bảo đảm đủ điều kiện cho nhà đầu tư hoạt động, ràng buộc họ thực hiện theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ông cũng cho rằng, không thể hạn chế thu hút đầu tư. Quan trọng là kiểm soát, tìm ra bài toán, giải pháp xử lý môi trường, giải quyết tốt môi trường ở các KCN, CCN, nhất là ở một số nhà máy sản xuất quy mô lớn. Tất cả KCN sẽ được xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Doanh nghiệp cần ký cam kết không gây ô nhiễm môi trường.
Thị xã Điện Bàn đã ra danh mục ngành nghề không xem xét cho đầu tư vào địa bàn. Dứt khoát không thu hút những dự án công nghiệp gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Huyện Núi Thành đã cho dừng lại ở giai đoạn 1 CCN Trảng Tôn, khắc phục ô nhiễm môi trường giữa lòng thị trấn, không cấp thêm dự án sản xuất dăm gỗ tại CCN Nam Chu Lai.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ giao Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức đánh giá trình độ công nghệ cho doanh nghiệp hàng năm, gia tăng thẩm định dự án đầu tư để dễ kiểm soát, xử lý mức độ công nghệ và tình trạng ô nhiễm. Đồng thời, Sở Công Thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của chủ đầu tư hạ tầng và doanh nghiệp trong các khu, CCN, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, hướng doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tăng cường triển khai chương trình sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ phân loại dự án, buộc phải xử lý, khắc phục ô nhiễm môi trường (nếu có) và tăng cường hậu kiểm tốt, không để xảy ra sự cố về môi trường. Định hướng quy hoạch, không gian bố trí, sẽ dần loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, sắp xếp phù hợp hơn.
Yến Nhi