Quảng Nam: Phục hồi thành công nhiều loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

28/09/2017 00:00

(TN&MT) - Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An) đã nghiên cứu thực nghiệm thành công đề tài “Ứng dụng công nghệ phục hồi một số loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm có sự tham gia của cộng đồng”. Đây là một nghiên cứu thực nghiệm điển hình về bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học biển nói chung và các loài san hô nói riêng.

Tham quan vườn san hô được phục hồi dưới đáy biển Cù Lao Chàm
Tham quan vườn san hô được phục hồi dưới đáy biển Cù Lao Chàm

Với mục tiêu phục hồi và nâng cao hiệu quả quản lý hệ sinh thái rạn san hô tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Nhóm nghiên cứu khoa học đã tiến hành điều tra, giám sát về đa dạng sinh học biển tại 10 khu vực nằm trong diện tích của Khu bảo tồn theo phương pháp Reefcheck và Manta Tow.

Qua điều tra, nghiên cứu các nhà khoa học đã đánh giá một cách tổng thể hiện trạng phân bố, sức khỏe của các rạn san hô trong khu bảo tồn và lựa chọn 02 khu vực là Bãi Bắc và Bãi Tra (mỗi khu vực có diện tích 2000 m2) để trồng phục hồi san hô và 02 địa điểm thiết lập vườn ươm san hô cố định dưới đáy biển tại Bãi Bò và Bãi Nần.

Qua 2 năm tiến hành thực nghiệm, nhóm các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật tách 2.783 tập đoàn san hô cứng để trồng phục hồi. Cùng với đó, tuyển chọn 11 loài san hô thuộc 4 giống: Giống Acropora (có 5 loài: A. accuminata; A. cytherea; A. hyacinthus; A.nobilis; A. robusta); giống Echinopora (có 2 loài: E. gemmacea; E. lamellose); giống Montipora (có 2 loài: M. vietnamensis; M. crassituberculata); và giống Pachyseric (có 2 loài: P. rugosa; P. speciosa).

Chăm sóc San hô sau khi trồng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Chăm sóc San hô sau khi trồng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm

Ông Lê Vĩnh Thuận- Chủ nhiệm đề tài cho biết: Tỷ lệ sống của các tập đoàn san hô được tách và trồng phục hồi bình quân là 79,85%; trong đó tỉ lệ sống cao nhất là khu vực Bãi Bò (99,15%), kế đến là Bãi Nần (95,09%), Bãi Tra (72,23%) và Bãi Bắc (52,94%). Tỷ lệ sống bình quân của các giống san hô cứng qua nghiên cứu thực nghiệm trên 4 địa điểm (Bãi Bắc, Bãi Tra, Bãi Nần, Bãi Bò) với giống Montipora (80,8%), Acopora (83,46%), Pachyseric (80,95%) và Echinopora (50,9%). Tốc độ tăng trưởng trung bình của san hô ở các khu vực nghiên cứu: khu vực Bãi Bắc: 2,36cm/năm, Bãi Nần: 5,99cm/năm, Bãi Tra: 0,38cm/năm và Bãi Bò: 3,6cm/năm.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã ghi nhận được khả năng thích nghi môi trường của một số loài san hô trong khu vực nghiên cứu. Cụ thể, các loài san hô thuộc giống Acropora có khả năng thích ứng hiện tượng ngọt hóa tức thời cao hơn các loài san hô thuộc dạng phiến (Montipora, Echinopora, Pachyseric) và các giống san hô thuộc dạng phiến có khả năng thích ứng với trầm tích cao hơn các giống san hô thuộc dạng cành (Acropora).

ThS. Lê Xuân Ái- Cố vấn khoa học Ban quản lý Khu bảo tồn Cù Lao Chàm, cũng là người có hơn 30 năm kinh nghiệm làm công tác bảo tồn biển khẳng định: Đề tài nghiên cứu đã thành công ngoài mong đợi. Đây là cơ sở quan trong để xây dựng kế hoạch và quy trình kỹ thuật phục hồi một số loài san hô cứng bị tác động bởi các yếu tố tự nhiên trong điều kiện biến đổi khí hậu, cũng như những tác động do con người gây ra và cũng là cơ sở để Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm phối hợp với các doanh nghiệp, cộng đồng cùng tham gia xây dựng các mô hình rạn san hô nhân tạo để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch sinh thái biển, gắn với bảo tồn, tôn tạo và phát triển các rạn san hô tại Cù Lao Chàm.

Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Phục hồi thành công nhiều loài san hô cứng tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO