Từ năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới đã nhận định sốt xuất huyết có thể trở thành vấn đề y tế công cộng khẩn cấp được cộng đồng quốc tế quan tâm và lo ngại, do những tác động tiêu cực của dịch bệnh này tác động đến đời sống xã hội. Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới, trong đó các nước ASEAN là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sốt xuất huyết.
Tại Việt Nam, sốt xuất huyết xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phía Nam. Trong những năm qua, các ca mắc sốt xuất huyết đã giảm đáng kể, song vẫn còn ở mức cao và có nguy cơ bùng phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Tại Quảng Nam, để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết lồng ghép với phòng chống bệnh do vi rút Zika trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị lãnh đạo các đơn vị tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2018.
Theo đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Trung tâm Y tế các địa phương tham mưu cho UBND huyện, thị, thành phố chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND xã/phường tích cực triển khai tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết, lồng ghép phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Tổ chức phát động toàn dân tích cực triển khai các hoạt động diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika; tăng cường công tác truyền thông để thông tin các hoạt động tới đông đảo người dân bằng nhiều hình thức để hướng sự quan tâm, ủng hộ của dư luận, chính quyền, ban ngành đoàn thể và cộng đồng tự giác thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy khu vực xung quanh nhà mình. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện tại các địa phương trong tỉnh trong quá trình triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết.
Bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra và hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Véc xin ngừa bệnh hiện đang được nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng. Cho đến nay, việc phòng bệnh chủ yếu vẫn là phun hóa chất diệt muỗi và diệt loăng quăng, bọ gậy. Để phòng chống Sốt xuất huyết hiệu quả cần sự chung tay của Chính quyền các cấp, Ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là ý thức, trách nhiệm của từng người dân tự nguyện thực hiện các biện pháp phòng bệnh đơn giản ngay tại hộ gia đình mình.