Quảng Nam: Phát triển thương hiệu du lịch biển, đảo

26/06/2017 00:00

(TN&MT) - Có được môi trường cảnh quan biển đảo đẹp, hấp dẫn và di sản văn hóa biển đảo phong phú, đặc sắc - Quảng Nam có tiềm năng lớn về du lịch biển đảo. Để xây dựng thương hiệu du lịch biển đảo, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó, tập trung giải quyết ô nhiễm môi trường biển.

Tỉnh Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo
Tỉnh Quảng Nam có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo

Tiềm năng du lịch biển đảo

Quảng Nam là một trong số ít các địa phương của Việt Nam có lợi thế lớn về tài nguyên, tiềm năng phát triển cả không gian du lịch vùng ven biển, bãi biển, không gian trên - dưới đáy biển và trên các đảo. Với đường bờ biển dài gần 125 km, chủ yếu là các bãi cát trắng, phẳng, mịn, ít bị ô nhiễm như Hà My (Điện Bàn), An Bàng (Hội An), Bình Minh (Thăng Bình), Tam Thanh (Tam Kỳ), Bãi Rạng (Núi Thành). Đó còn là ghềnh đá Bàn Than, Tam Hải (Núi Thành), là Cù Lao Chàm – khu dự trữ sinh quyển thế giới… Tất cả tạo nên thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam.

Biển, đảo Quảng Nam không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống cho người dân địa phương, mà còn là không gian để họ tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với bề dày di sản văn hóa đặc sắc. Chính vì thế, du lịch biển, đảo gắn liền với văn hóa vật thể và phi vật thể của cư dân vùng biển đã và đang được Quảng Nam xác định là sản phẩm độc đáo, có sức hấp dẫn mạnh với du khách.

Sạt lở bờ biển đang là thách thức lớn đối với du lịch biển Quảng Nam
Sạt lở bờ biển đang là thách thức lớn đối với du lịch biển Quảng Nam

Để phát huy lợi thế của biển, thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã đầu tư nâng cấp hạ tầng các tuyến đường ven biển, nhất là chất lượng các cơ sở lưu trú cao cấp. Một trong những cơ sở hạ tầng có tính quyết định cho du lịch Quảng Nam là tuyến đường ven biển Duy Xuyên – Núi Thành kết nối và tuyến đường hàng không từ sân bay Chu Lai sẽ trở thành cảng hàng không Quốc tế. Tuyến đường biển kết nối 3 đảo Cù Lao Chàm – Lý Sơn – Tam Hải sẽ mở rộng bắt đầu từ cảng Chu Lai đang được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, thành phố cũng đã ban hành một số chính sách cụ thể như đề án quản lý khai thác các bãi biển du lịch Hội An với việc tập trung đầu tư hạ tầng dịch vụ, thực hiện tốt công tác cứu hộ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan, giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ và khai thác nhằm xây dựng bãi biển an toàn, văn minh…

Ông Đinh Hài- Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, những năm qua, biển Quảng Nam đã mang lại hiệu quả rất tốt về lưu trú, tham quan cũng như các loại hình thể thao giải trí biển. “Cứ hình dung mỗi ngày có khoảng 3 nghìn lượt khách ra đảo, một năm trừ 3 tháng mùa mưa thì số lượt khách ra đảo không hề nhỏ. Ngoài ra, còn một lượng khách lưu trú trong các khu resort cao cấp ven biển từ The Nam Hai đến Sunrise, Goldensand nên có thể nói ngoài di sản, biển là một trọng tâm trong quá trình phát triển du lịch của Quảng Nam”- ông Hài khẳng định.

Những thách thức từ biển

Du lịch biển đang là lợi thế, hướng phát triển chủ đạo của nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, đặc biệt là việc xâm thực bãi biển, khiến cho nhiều bờ biển đang có nguy cơ bị “xóa sổ”. Ngoài ra, áp lực về sức chứa, vệ sinh môi trường biển, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học biển đảo... chưa được đầu tư đồng bộ. Tất cả đã đặt ra cho du lịch biển đảo nhiều thách thức. Biển Cửa Đại cát vàng mịn màng kéo dài mấy cây số nay chỉ còn trong ký ức. Đó là hậu quả của thực trạng xâm thực biển đang là thách thức lớn đối với du lịch biển Quảng Nam.

Nhiều sản phẩm du lịch biển mới được đưa vào khai thác trong dịp Festival Di sản Quảng Nam vừa qua
Nhiều sản phẩm du lịch biển mới được đưa vào khai thác trong dịp Festival Di sản Quảng Nam vừa qua

Ngoài ra, vùng biển và bờ biển Quảng Nam đang bị đe dọa trước những diễn biến ô nhiễm môi trường phức tạp từ rác thải và dầu tràn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển và các hoạt động du lịch. Quan trắc môi trường của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường) cho thấy, vùng ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng là nơi tiếp nhận nhiều chất gây ô nhiễm từ nguồn đất liền nhất, là một trong những “điểm nóng” ô nhiễm trong cả nước. TS.Chu Mạnh Trinh, chuyên gia môi trường (công tác tại Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) cảnh báo, phát triển ồ ạt các nhà máy công nghiệp, phong trào nuôi trồng thủy sản dọc sông Trường Giang, nuôi tôm lót bạt trên đất cát ven biển qua các huyện Núi Thành, Thăng Bình tràn lan đã tàn phá ghê gớm môi trường nước biển.

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An đã tiến hành chi ngân sách hàng chục tỷ đồng để kè mềm và đóng cọc sắt chống sạt lở 400m ven biển Cửa Đại theo dạng công nghệ của Hà Lan. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài tỉnh sẽ tiếp tục triển khai một quy hoạch ven biển từ Nam Hội An vào đến Núi Thành. Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động quản lý vùng bờ Quảng Nam từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.Theo đó, vùng bờ biển Quảng Nam được xác định giám sát, bảo vệ trong không gian trên biển cách bờ 6 hải lý. Việc ban hành kế hoạch hành động sẽ là tiền đề để thực hiện một loạt các dự án như quan trắc môi trường, kiểm soát chất thải từ đất liền ra biển... bảo vệ môi trường biển, xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn của du lịch biển Quảng Nam.

Bài & ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Phát triển thương hiệu du lịch biển, đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO