Quảng Nam: Nhiều bất cập trong công tác giữ rừng phòng hộ

28/02/2017 00:00

(TN&MT) - Hàng trăm héc-ta rừng phòng hộ đầu nguồn của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam là nơi giữ nguồn nước, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng ngàn hộ dân ở địa phương và hơn 700 ha đất nông nghiệp. Nếu  như không có biện pháp quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả thì chẳng bao lâu nữa các cánh rừng xanh nơi đây chỉ còn lại những mảng đồi trọc, trơ trụi đá.

Hiện trường vụ phá chặt phá rừng trái phép tại xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam
Hiện trường vụ phá chặt phá rừng trái phép tại xã Bình Trị, Thăng Bình, Quảng Nam

Thực tế hiện nay, chính quyền huyện Thăng Bình giao cho UBND các xã Bình Trị và Bình Phú trực tiếp tổ chức bảo vệ, quản lý hàng trăm héc ta rừng phòng hộ của địa phương này. Theo đó, có đến 4 lực lượng tham gia bảo vệ rừng là công an xã, xã đội, địa chính và lâm nghiệp. Tuy nhiên, đã phát sinh nhiều những bất cập tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm. Lực lượng công an, xã đội chỉ tham gia khi được huy động để xử lý hành vi phá rừng được phát hiện, chứ lực lượng này không thể hàng ngày đi tuần tra, kiểm soát rừng. Ngoài ra, việc phân định địa giới rừng giữa huyện Thăng Bình và huyện Tiên Phước không lưu giữ giấy tờ rõ ràng nên khó khăn trong công tác quản lý và quy trách nhiệm. Các đối tượng cũng đã lợi dụng sự “nhập nhằng” ở khu vực giáp gianh để chặt phá rừng.

Ông Lê Viết Mãnh- Chủ tịch UBND xã Bình Trị, huyện Thăng Bình cho biết: lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng của địa phương thiếu quá nhiều công cụ hỗ trợ, nhiều khi “tay không bắt giặc”. Mỗi khi bắt được đối tượng vi phạm thì chính quyền cấp xã cũng chỉ xử phạt hành chính được ở mức từ 2 - 5 triệu đồng nên không có sức răn đe. Cũng theo ông Mãnh, cái khó nữa trong công tác bảo vệ rừng phòng hộ trên địa bàn chính là thiếu “tai mắt” của nhân dân. Trước đây người dân sống tập trung quanh khu vực rừng phòng hộ, nhưng từ khi xây hồ chứa nước Đông Tiển họ phải chuyển đến khu vực khác định cư. Chứ hồi trước, người dân tham gia giữ rừng đông, mạnh lắm mà giờ thì hầu như người dân làm ngơ, không báo cho chính quyền để kịp thời ngăn chặn hành vi phá rừng.

Nếu không có biện pháp bảo vệ hiệu quả thì chỉ vài năm nữa hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ở Thăng Bình, Quảng Nam sẽ chỉ còn là đồi núi trọc
Nếu không có biện pháp bảo vệ hiệu quả thì chỉ vài năm nữa hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ở Thăng Bình, Quảng Nam sẽ chỉ còn là đồi núi trọc

Theo ông Lê Văn Thôi- Bí thư Đảng ủy xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, địa phương đang quản lý 500ha rừng phòng hộ đầu nguồn bảo vệ hồ chứa nước Phước Hà thì, rừng phòng hộ của địa phương này giáp ranh với xã Tiên Sơn và Tam Lộc (huyện Phú Ninh) nhưng ranh giới địa chính không rõ ràng, dẫn đến tình trạng tranh chấp đất rừng diễn ra rất phức tạp trong nhiều năm qua. Ông Thôi cho rằng, rừng phòng hộ mà bị tàn phá thì nguồn nước sẽ bị suy kiệt, dẫn đến hàng trăm héc ta đất sản xuất trên địa bàn xã và các vùng lân cận không thể canh tác lúa, hoa màu được. Hiện tại, địa phương có cán bộ lâm nghiệp phụ trách, làm việc theo hợp đồng, nhưng mức lương thấp, không bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nên khó có thể nói là phát huy hết trách nhiệm được.  

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi lần thực thi nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, bảo vệ rừng, các lực lượng giữ rừng của 2 xã Bình Trị và Bình Phú được hỗ trợ 50 nghìn đồng/người/ngày. Trong khi đó khu vực này có địa hình hiểm trở, nhiều đèo dốc nguy hiểm, nên việc di chuyển bằng xe máy quanh bìa rừng có diện tích lên đến hàng trăm héc ta là việc rất khó khăn, đặc biệt trong mùa mưa. Chưa kể đến sự đe dọa của “lâm tặc” trong khi không có công cụ hỗ trợ khiến các lực lượng giữ rừng phòng hộ của địa phương này chùn chân.

Mặc dù ở mỗi khu vực rừng phòng hộ trên địa bàn Thăng Bình đều có cán bộ kiểm lâm cấp huyện được bố trí. Nhưng theo lãnh đạo UBND xã Bình Trị thì, cán bộ kiểm lâm đứng điểm rất ít có thời gian trực tiếp bảo vệ rừng, họ chỉ đến xã làm việc khoảng 1 - 2 lần/tuần. Ở nhiều địa phương khác, rừng phòng hộ có ban quản lý được lập nên, hoạt động quy củ còn ở Bình Trị thì chúng tôi tự thân vận động. Có những trường hợp khi phát hiện vụ việc chúng tôi gọi điện thoại báo Hạt Kiểm lâm huyện nhờ can thiệp, nhưng khi lực lượng kiểm lâm huyện xuống đến nơi thì lâm tặc đã tẩu thoát mất rồi, dấu vết cũng không tìm được.

                                                                                    Dương Bùi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Nhiều bất cập trong công tác giữ rừng phòng hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO