(TN&MT) - Sau hơn 1 năm ngừng hoạt động do ô nhiễm môi trường và “đắp chiếu” cho đến nay, Nhà máy sô đa Chu Lai (Quảng Nam) được đầu tư 2.900 tỷ đồng đang có nguy cơ trở thành đống sắt vụn và bốc hơi gần 3.000 tỷ đồng vốn vay từ các ngân hàng.
Năm 2009, tỉnh Quảng Nam đã bố trí hơn 30 ha đất vàng tại Khu công nghiệp Tam Hiệp (huyện Núi Thành - Quảng Nam) để Công ty CP sản xuất sô đa Chu Lai xây dựng nhà máy. Kỳ vọng sẽ giải quyết cho 500 lao động địa phương và đóng ngân sách cho tỉnh Quảng Nam mỗi năm trên 60 tỷ đồng.
Sau khi ì ạch thi công (chậm tiến độ hơn 3 năm), Nhà máy đi vào hoạt động (tháng 6/2015). Tuy nhiên, mới chạy thử nghiệm được hơn một năm, người dân xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành đã phản ứng quyết liệt vì ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và nước thải chứa hóa chất, amoniac, than và muối chảy ra sông Trường Giang khiến cá sông, cá nuôi chết trắng đồng. Bộ TN&MT đã tiến hành xử phạt nhà máy 2 lần với số tiền phạt gần 1 tỷ đồng. Sau đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công văn yêu cầu nhà máy ngừng hoạt động do chưa có giấy phép xả thải. Theo đó, 500 công nhân nhà máy phải nghỉ việc, toàn bộ dây chuyền, máy móc thiết bị nhập từ Trung Quốc trị giá vài nghìn tỷ đồng hiện đang bị hoen rỉ và có nguy cơ trở thành đống sắt vụn.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nhà máy Sô Đa Chu Lai đang nợ đầm đìa với các khoản nợ lên tới hơn 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ Ngân hàng Agribank hơn 2.000 tỷ đồng (vốn Nhà nước); nợ Ngân hàng PVcombank hơn 850 tỷ đồng. Nợ tiền thuê đất (34 héc ta làm nhà máy) gần 45 tỷ đồng. Nợ tiền điện (Điện lực huyện Núi Thành) 7,8 tỷ đồng. Nợ tiền lượng công nhân 6,4 tỷ đồng. Nợ BHXH...nợ thuế giá trị gia tăng nhập thiết bị từ Trung Quốc gần 40 tỷ đồng. Nợ tiền phạt do gây ô nhiễm là 690 triệu đồng.
Trước đó, ngày 31/12/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu tỉnh Quảng Nam báo cáo toàn diện về việc Nhà máy sô đa Chu Lai “đắp chiếu” chỉ sau một thời gian ngắn vận hành. Theo đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã có báo cáo chi tiết về việc dừng hoạt động của nhà máy này, nhưng lại không đưa ra được giải pháp xử lý.
Trước nguy cơ không thu hồi được số nợ hơn 2000 tỷ đồng, đầu tháng 1 năm 2018, Ngân hàng Agribank đã khởi kiện Công ty Sô đa Chu Lai ra tòa. Theo thông tin từ Lãnh đạo Công ty sản xuất sô đa Chu Lai, Quảng Nam, Công ty này vừa gửi kiến nghị tới ngân hàng Agribank và PVcombank để xin tái cơ cấu lại các khoản nợ như: miễn toàn bộ nợ lãi vay tồn đọng; thời gian trả nợ kéo dài 20 năm cho đến khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả và có khả năng trả nợ. Theo ông Nguyễn Thái Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất sô đa Chu Lai, Quảng Nam thì, để nhà máy hoạt động trở lại cần khoảng 300 tỷ đồng nữa, chủ yếu để nâng cấp hệ thống xả thải.
Mới đây, Công ty sô đa Chu Lai và Ngân hàng Agribank đã thỏa thuận cùng nhau tìm đối tác kêu gọi tiếp tục đầu tư để nhà máy tiếp tục hoạt động. Theo đó, 2 bên đã mời một công ty độc lập để định giá tài sản của nhà máy. Phía ngân hàng Agribank cũng đã cử đoàn công tác sang Trung Quốc làm việc với Công ty Thiên Thần Trung Quốc - nhà thầu xây dựng và cung cấp thiết bị cho Nhà máy Sô đa Chu Lai để tìm hướng khắc phục. Đồng thời ngân hàng này cũng đang xúc tiến hợp tác với Công ty Liên Vận Cảng - chuyên sản xuất sô đa tại Trung Quốc để cải tạo, nâng công suất nhà máy Sô đa Chu Lai. Hiện Ngân hàng Agribank vẫn phải cử hàng chục người tới canh giữ nhà máy để tránh việc tẩu tán tài sản. Và nếu không sớm tìm được giải pháp xử lý đối với nhà máy này, thì nguy cơ bốc hơi 3000 tỷ đồng là rất hiện hữu.
Hiện nay, ngoài hàng vạn tấn than và muối còn tồn đọng trong kho, Nhà máy này còn đang còn lưu trữ một lượng lớn khí ammoniac. Nếu để lâu ngày, nguy cơ rò rỉ ra môi trường là khó tránh khỏi. Đây cũng chính là lý do khiến chính quyền và người dân huyện Núi Thành tỏ ra rất lo ngại nếu Nhà máy sô đa Chu Lai tiếp tục hoạt động trở lại.