Nhà chứa rác nông thôn là một trong những công trình đươc xây dựng nhằm đáp ứng bộ tiêu chí của xã nông thôn mới. Hiện nay, trên địa bàn xã Bình Định Nam, huyện Thăng Bình có tổng cộng 2 nhà chứa rác. Theo ghi nhận của PV, đa số người dân đều vứt rác không đến nơi đến chốn, không đúng nơi quy định. Rác thải sinh hoạt ứ đọng, vung vãi khắp nơi, gây mùi hôi thối khó chịu cho người qua lại. Điều đáng nói, bên trong các nhà chứa thì trống không, trong khi xung quanh hai nhà chứa rác này là ngổn gang những bao bì, chai lọ, xác động vật…
Bức xúc về điều này, chị Nguyễn Thị N. (người dân địa phương) cho hay: “Nhiều người ý thức rất kém, cứ ngồi trên xe máy khi đi ngang qua khu vực này lại vứt rác bừa bãi. Cá biệt, có người không gom rác trong bao bì mà bỏ rác trong xe rùa đẩy đến nhà rác để đỗ. Hầu hết những người dân sống xung quanh khu vực này đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mùi hôi thối cũng như tình trạng rác thải vương vãi bừa bãi…”.
Theo người dân nơi đây, tình trạng lãng phí nhà chứa rác tại địa phương này đã kéo dài gần một năm nay. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam (huyện Thăng Bình) cho biết: “Đây là thực trạng chung của nhiều nhà rác nông thôn. Biện pháp để giải quyết vấn đề này thì có thể đặt camera để giám sát. Tuy nhiên, đối với các xã thì hiện nay vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện”.
Theo ông Danh, để hạn chế vấn nạn ô nhiễm rác từ khu vực này, trước tiên cần tuyên truyền cho người dân hiểu và đề nghị người dân sống gần đó phát hiện những người nào thiếu ý thức, bỏ rác không đúng nơi quy định thì nhắc nhở. “Trường hợp rác thải bị xả ra ngoài thì hàng tuần cán bộ môi trường sẽ tổ chức thu gom trở lại cho sạch sẽ. Chúng tôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền, kêu gọi người dân có ý thức hơn trong vấn đề này”- ông Danh nói thêm.
Cũng theo ông Danh, trong thời gian đến, bên cạnh việc thắt chặt quản lý, tổ chức thu gom, xử lý rác thải, Hội Nông dân của xã sẽ tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phân loại rác và để rác đúng nơi quy định; giúp họ thay đổi nhận thức của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường chung.
Được biết, qua thống kê của các đơn vị chức năng, trên cả nước, mỗi ngày có khoảng gần 40.000 tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn, nhưng tỉ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 50-60%, có nơi chỉ đạt khoảng 30%. Còn phần lớn rác thải được chôn lấp thủ công, xử lý không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Hiện nay, tình trạng vứt rác thải bừa bãi xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là những vùng nông thôn. Đây không phải là vấn đề mới mẻ mà từ rất lâu rồi, đã được đưa ra để bàn luận, mổ xẻ nhưng không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Thiết nghĩ, để quản lý hiệu quả rác thải ở khu vực nông thôn, tránh tình trạng lãng phí các công trình “tập kết rác” thì cần phải nâng cao hơn nữa ý thức của người dân.