Người trẻ không “mặn mà” với nghề
Hiện ở Quảng Nam có hơn 20 làng nghề truyền thống, trong đó phải kể đến như: Làng gốm Thanh Hà; Làng nghề mộc Kim Bồng; Làng đèn lồng Hội An; Làng nghề dệt vải tơ lụa Mã Châu; Làng đúc đồng Phước Kiều… Những người nghệ nhân nặng lòng với nghề truyền thống, cả đời gắn bó với nghề vẫn luôn “trăn trở” làm sao để nghề truyền thống phát triển, thế nhưng tìm được một hậu kế có tâm với nghề quả thực rất khó.
Theo học nghề tại mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (Quảng Nam) được 5 năm, Trương Anh Dũng (SN 1995, Điện Bàn) chia sẻ, anh đến với nghề mộc mỹ nghệ vì đam mê, vì thích các đường nét tinh xảo của mộc mỹ nghệ, chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Dũng cho biết, so với các bạn bè cùng lứa tuổi thì Dũng là người có thu nhập thấp nhất, nếu như làm nghề này vì tiền thì rất ít người kiên trì được. Phải có đam mê, kiên nhẫn mới làm được cái nghề này. Mỗi một sản phẩm mình tạo ra mặc dù theo yêu cầu của khách hàng nhưng mang ý tưởng của mình nên nó luôn tạo được cảm hứng mới mẻ, kích thích niềm đam mê.
Trước sự phát triển của các công nghệ hiện đại, trong vòng xoáy công nghiệp hóa, hiện đại hóa,Trương Anh Dũng là một trong số ít những người trẻ có niềm đam mê với nghề truyền thống mà các làng nghề đang mong mỏi tìm kiếm.
Anh Nguyễn Văn Ân - Cơ sở mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp cho biết: “Nghệ nhân làm nghề không đặt kinh tế lên hàng đầu mà làm vì đam mê, vì muốn để lại nghề cho sau này. Giới trẻ bây giờ chịu áp lực về gánh nặng cơm áo gạo tiền cao quá, nên rất ít người trụ lại được khi học nghề. Trước đào tạo 10 người thì còn được 7 - 8 người, giờ đào tạo 10 chỉ được 3 người. Đa số tồn tại học tiếp là vì đam mê, không chạy theo đồng tiền. Nghề truyền thống không học chứ nếu xác định đã học sẽ thành nghề, còn những người đã có ý định bỏ đi thì không thể giữ được.”
Theo nghệ nhân Lê Phước Tiến - Công ty TNHH Phước Tiến, kiêm quản lý nhà trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam: “Làm gì cũng phải có đam mê, yêu nghề. Điều này đặc biệt đúng với nghề truyền thống bởi muốn trở thành nghệ nhân của làng nghề truyền thống phải gắn bó, bền chí. Các nghệ nhân, trong đó có tôi, không ép con mình theo nghề truyền thống, chúng tôi tôn trọng lựa chọn của con cái. Nhưng đằng sau đó các nghệ nhân luôn trăn trở về người sẽ nối nghiệp mình, người sẽ giữ hồn cho di sản làng nghề Quảng Nam, thêm chục năm nữa chủ già, thợ già rồi không biết ai sẽ tiếp nối nghề truyền thống.” Ông Tiến cho biết, tại cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ của ông, đa số thợ làm việc đều đã gắn bó trên dưới 10 năm và hầu như không có người trẻ theo đuổi nghề.
Muốn trở thành thợ thủ công có tay nghề đòi hỏi phải bền chí, chịu khó học hỏi, trong khi giới trẻ bây giờ rất ít người có tính tỉ mẩn. Bên cạnh đó, so với những ngành nghề thâm dụng lao động trong khu công nghiệp, các đơn vị dịch vụ du lịch, thì thu nhập của người thợ thủ công có phần kém cạnh hơn.
Thiếu tính liên kết và thương mại hóa sản phẩm
Một trong những yếu tố quan trọng khiến giới trẻ mặc dù yêu nghề truyền thống nhưng không kiên trì được với nghề là do thu nhập thấp, không đủ sống khi theo nghề, chính vì vậy để vực dậy các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam cần phải liên kết phát triển làng nghề với các tour du lịch và thương mại hóa các sản phẩm làng nghề cho phù hợp với thị hiếu khách hàng.
Mặc dù khẳng định muốn tồn tại và phát triển, làng nghề truyền thống phải có sự gắn kết chặt chẽ với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động của làng nghề truyền thống và du lịch Quảng Nam vẫn “đường ai nấy đi”.
Cách đây gần 2 năm, tour trải nghiệm làng nghề đã được hình thành. Khi mới bắt đầu thí điểm, tour làng nghề đưa du khách về các điểm gần với phố cổ Hội An như làng rau Trà Quế, làng dừa lá Cẩm Thanh, làng gốm Thanh Hà, sau dần mở rộng ra các làng thuận lợi giao thông như làng chiếu Bàn Thạch, làng bánh tráng, làng đúc đồng… Trong khi, đa số các làng nghề của tỉnh Quảng Nam đều nằm sâu trong làng, không nằm trên tuyến đường du lịch kết nối Đà Nẵng với Hội An, Hội An với Mỹ Sơn.
Để phát triển được nhiều tour trải nghiệm làng nghề, cần có sự vào cuộc của chính quyền tỉnh Quảng Nam trong việc vận động các đơn vị du lịch, lữ hành đưa khách về các làng nghề, các đơn vị sản xuất thủ công để tham quan mua sắm, tạo ra nguồn thu cho làng nghề, nuôi nghề và vực dậy làng nghề.
Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cần sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông để thuận lợi cho việc đưa khách du lịch đến làng nghề. Quảng Nam có 2 di sản thế giới là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Nam chủ yếu đến từ 2 địa danh này. Nếu xây dựng được hạ tầng giao thông giữa 2 di sản này với các làng nghề khác thì việc tổ chức tour du lịch trải nghiệm làng nghề kết hợp với 2 điểm đến nổi tiếng này sẽ rất dễ dàng và hút khách.
Ngoài ra, các sản phẩm của làng nghề hiện nay mặc dù có chất lượng cao, đường nét tinh xảo nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Những người làm nghề của các làng nghề truyền thống đều có một điểm chung là tâm huyết với nghề, lấy uy tín làm hàng đầu, chính vì không đặt kinh tế là yếu tố chính nên họ vẫn mãi loay hoay với bài toán thương mại hóa sản phẩm.
Các sản phẩm của làng nghề truyền thống hiện chủ yếu mới dừng ở việc chú trọng đến kỹ thuật, chưa theo kịp nhu cầu người tiêu dùng vì vậy giá thành sản phẩm vẫn còn cao. “Tổ chức JICA đã có làm việc với làng nghề Quảng Nam. Họ rất hài lòng với những sản phẩm điêu khắc tinh xảo của mỹ nghệ Quảng Nam. Nhưng họ khuyến nghị, để phục vụ du lịch và sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhiều hơn thì đòi hỏi sản phẩm phải nhỏ, gọn, giá cả chỉ dưới 200 nghìn đồng/sản phẩm”, nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp nói.
Để cạnh tranh được với các sản phẩm công nghiệp tràn lan trên thị trường, các làng nghề truyền thống không chỉ thay đổi mẫu mã, kích cỡ phù hợp với thị hiếu khách hàng mà còn phải thay đổi cơ chế hoạt động, tự động hóa một số khâu sản xuất để giảm chi phí, thời gian và nhân lực nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Ở HTX mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (Quảng Nam), các khâu luộc mây, vót, chẻ ra nguyên liệu… đã tự động hóa thông qua máy móc. Nhân công cũng được tăng các phúc lợi, đãi ngộ nên giữ chân được người lao động. Ông Nguyễn Trường Thiên - Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi đã linh hoạt nguồn nhân lực bằng cách tiếp nhận lao động không phân biệt tuổi tác, và không khắt khe về thời gian. Và chúng tôi trả lương cho người lao động dựa trên kết quả họ làm được.”
Cùng với việc thay đổi, cải tiến các sản phẩm để có tính thương mại, phù hợp với thị hiếu khách hàng, hầu hết các nghệ nhân của các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam đều mong muốn có sự hỗ trợ từ chính quyền tỉnh Quảng Nam để thúc đẩy làng nghề phát triển, bảo tồn văn hóa truyền thống. Như chú trọng đến chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm); hỗ trợ các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm; tổ chức các ngày hội, hội chợ triển lãm dành riêng cho sản phẩm làng nghề truyền thống…