Dù là thế mạnh nhưng xuất khẩu dăm gỗ từ cây keo vẫn là một thách thức đối với tỉnh Quảng Nam |
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, thì 10 tháng đầu năm 2016 tổng giá trị xuất khẩu chế biến các sản phẩm gỗ của tỉnh này đạt gần 69 triệu USD, giảm đáng kể so với năm 2015 (86,7 triệu USD). Mỗi năm tỉnh Quảng Nam khai thác hơn 5.000ha rừng trồng, nhưng sau nhiều năm Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) mới công nhận được gần 1.000ha rừng trồng của người dân ở các huyện Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức đạt tiêu chuẩn quốc tế về chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC). Trong khi đó, muốn xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ qua thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu đều phải yêu cầu nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp, đạt chứng chỉ FSC.
Điều này lý giải vì sao các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu thường không mặn mà với nguyên liệu trong nước. Nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp của tỉnh Quảng Nam hiện nay vừa thiếu lại không đảm bảo chất lượng, khiến nhiều doanh nghiệp trong nước phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ nước ngoài để chế biến như Công ty CP Cẩm Hà, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai phải nhập khẩu trên 60 % nguồn nguyên liệu gỗ nước ngoài để chế biến, xuất khẩu, vì theo quy định của FLEGT, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang thị trường của EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp với gỗ chưa được xác minh nguồn gốc. Chẳng hạn, nếu là gỗ rừng trồng tại Việt Nam thì phải được khai thác đúng theo luật pháp trong nước hoặc được cấp chứng chỉ FSC. Rào cản lớn nhất là phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ có quy mô vừa và nhỏ, thường mua gỗ của người dân trồng nhỏ lẻ không lưu lại hồ sơ pháp lý có liên quan, hoặc rừng chưa cấp chứng chỉ FSC.
Ông Bùi Bảo Tín- Phó Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn cho biết, công ty ông mua gỗ rừng trồng trên địa bàn Quảng Nam thông qua các doanh nghiệp thu gom, bán lại. Những đơn vị cung ứng gỗ phải đảm bảo các yêu cầu như có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm, xuất hóa đơn, chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn FSC. Nhưng trên thực tế có nhiều doanh nghiệp bán gỗ chế biến cho công ty với giá rẻ nhưng chúng tôi phải từ chối mua vì không chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp. Giám đốc Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai thuộc Khu công nghiệp Bắc Chu Lai thì cho biết: do Công ty làm ăn có uy tín với các đối tác từ Nhật, Anh và Mỹ nên thời gian qua không có lô hàng nào của công ty bị đối tác trả về, doanh thu năm nay đạt 130 tỷ đồng, cao hơn năm 2015 gần 15%. Nhưng nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu công ty nhập từ gỗ rừng trồng của nước ngoài, chỉ một phần nguyên liệu gỗ hợp pháp mua ở trong nước.
Chế biến ván gỗ tại Công ty CP Gỗ Minh Dương (Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, tỉnh Quảng Nam) nguyên liệu chủ yếu nhập từ nước ngoài |
Theo các chuyên gia của WWF, nếu được ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam với EU về FLEGT sẽ là cơ hội để doanh nghiệp chế biến xuất khẩu sản phẩm từ rừng của Việt Nam cũng như tỉnh Quảng Nam cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trên thị trường. Với những doanh nghiệp có uy tín, sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, đảm bảo các điều kiện khi xuất khẩu qua thị trường châu Âu sẽ rất dễ dàng, ngược lại nếu doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch sẽ bị sát hạch kỹ càng.
Trước mắt, tỉnh Quảng Nam vẫn phải đang đối mặt với những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, nghĩa là yêu cầu 100% gỗ xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, Nhật và EU phải là gỗ hợp pháp. Vì vậy tỉnh Quảng Nam cần phải quy hoạch lại một cách đồng bộ vùng nguyên liệu, có cơ chế hỗ trợ vốn cho người dân trồng rừng gỗ lớn và nâng cao chất lượng rừng trồng sẽ là tiềm năng lớn đối với tỉnh này trong phát triển kinh tế rừng bền vững.
Dương Bùi