Quảng Nam: Loay hoay cứu bờ biển Cửa Đại

08/01/2015 00:00

(TN&MT) - Vốn là cửa biển sầm uất bậc nhất ở Đàng Trong từ thời Chămpa, làm nên tên tuổi phố cổ Hội An, nhưng bờ biển Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) đang bị sạt lở...

(TN&MT) - Vốn là cửa biển sầm uất bậc nhất ở Đàng Trong từ thời Chămpa, làm nên tên tuổi phố cổ Hội An, nhưng bờ biển Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) đang bị sạt lở nặng nề. Giải pháp nào để cứu bờ biển Cửa Đại – một trong những bờ biển đẹp nhất nước một cách bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường đang là vấn đề khiến chính quyền TP Hội An phải đau đầu.
   
Báo động khẩn
   
  Cửa Đại là nơi các dòng sông Thu Bồn, Trường Giang đổ ra biển. Đây cũng là ngả ra biển của hàng chục ngàn ngư dân các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Hội An… với hàng ngàn tàu thuyền khai thác hải sản. Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu mạnh nên vùng biển Hội An bị biến động sạt lở nhanh chóng; đặc biệt là khu vực phường Cửa Đại, nơi tập trung các khu nghỉ dưỡng lớn của TP Hội An. Con đường ven biển Âu Cơ trước đây bãi biển cách đường hơn 200m thì nay tình trạng sạt lở đã tiến sát, chỉ còn cách đường vài mét và có khả năng cuốn trôi nhiều bãi biển, khu tắm biển đẹp dọc con đường này. Chính quyền Hội An đã mạnh tay đầu tư cho việc xây dựng bờ kè biển nhưng cũng không hiệu quả. Hàng nghìn bao cát, cọc tre được kè chắn sóng, nhưng không đủ sức cản những đợt sóng lớn đánh vào bờ suốt ngày đêm.
   
Biển Cửa Đại (Hội An) đang ngày càng sạt lở với tốc độ nhanh và nghiêm trọng.
   
  Ông Trương Văn Ba, ở tổ 2, phường Cửa Đại, TP Hội An sầu lo: “Khi xưa, từ đường Âu Cơ tui đi mỏi cẳng chưa đến biển, chừ đi mười mấy bước là đến. Biển ngày một ăn sâu vào đất liền. Người dân ở đây chừ nghe bão là lo chạy ngay. Năm 2014, không xảy ra mưa bão, gió lớn nhưng chỉ hai ngày mà sóng biển ăn vào đất liền tới 10 mét, không ai nhận ra hình hài bãi tắm Cửa Đại cách đây mấy tháng”.
   
  Giáo sư, Tiến sĩ Hitoshi – Trường Đại học Thohoku (Nhật Bản) cho rằng, tình trạng sạt lở bờ biển Hội An như hiện nay là hệ lụy của việc xây dựng quá nhiều các hồ chứa, nhất là hồ chứa thủy điện dẫn đến một lượng cát lớn bị giữ lại tại các hồ chứa khiến vùng hạ du bị thiếu hụt lượng cat hàng năm. Vì vậy khi sóng biển vào quá gần bờ dẫn đến phá hủy bờ biển. Đồng quan điểm với GS.TS Hitoshi, PGS.TS Vũ Thanh Ca – Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) nhận định: Trước kia, bờ biển Hội An đã ổn định, thậm chí lấn ra biển trong một thời gian rất dài dù chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên trong khoảng 10 năm gần đây, các đập thủy lợi và thủy điện xây dựng trên thượng nguồn các con sông đổ ra khu vực bờ biển Hội An, đặc biệt là sông Thu Bồn đã chặn một lượng rất lớn bùn cát do các con sông tải ra biển. Do thiếu hụt cát cung cấp cho khu vực bờ biển nên hiện tượng xói lở bờ biển đã và đang xảy ra dữ dội tại khu vực bờ biển Hội An. “Nếu không có giải pháp bảo vệ bờ biển thích hợp, hiện tượng xói lở sẽ có nguy cơ mất toàn bộ dải đất ven biển của Hội An, đe dọa nghiêm trọng hoạt động du lịch của thành phố này” - PGS.TS Vũ Thanh Ca nhấn mạnh.
   
Đề xuất cấm hút cát hạ lưu sông Thu Bồn
   
  Để “cứu” bờ biển Cửa Đại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân cũng như bảo vệ các công trình ven biển, tỉnh Quảng Nam đã gấp rút tổ chức Hội thảo khoa học tìm giải pháp phòng chống sạt lở bờ biển khu vực Cửa Đại, lắng nghe hiến kế của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, qua đó, làm căn cứ xây dựng các công trình chống sạt lở một cách bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường.
   
  Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca: Vấn đề thiếu hụt bùn cát tại bãi biển Hội An không thể giải quyết được do các đập thủy điện tại thượng nguồn sông Thu Bồn không có thiết bị xả cát. Vì vậy, để hạn chế xói lở tại bờ biển Hội An cần tiến tới ổn định bãi biển. Trước mắt, địa phương cần nghiêm cấm mọi hình thức hút cát tại hạ lưu sông Thu Bồn và toàn bộ dải ven biển tỉnh Quảng Nam phục vụ bất cứ mục tiêu gì. Đồng thời xây dựng và thực hiện các dự án nghiên cứu, xác định rõ quá trình vận chuyển bùn và nguyên nhân xói lở bờ biển Hội An; sử dụng kè lát mái với độ dốc 1:3 hoặc 1:4 có mấu phá sóng để bảo vệ khu vực tắm Cửa Đại; nghiên cứu sử dụng công trình bảo vệ của Nhật Bản.
   
Chính quyền Hội An tạm thời cứu biển bằng giải pháp kè bao cát để chắn sóng.
   
  Còn theo TS. Lê Đình Mầu (Viện Hải dương Học Nha Trang - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) kiến nghị, chính quyền tỉnh chỉ cho phép các doanh nghiệp phát triển du lịch ven bờ biển được xây kè bảo vệ khi bản thiết kế có đầy đủ cơ sở khoa học. Không nên xây công trình quá sát mép nước, bố trí diện tích cho xây dựng hệ thống đường đi bộ sát biển, nối thông giữa các resort. Đồng thời, đưa ra giải pháp là trồng rừng phòng hộ dải ven bờ phía bắc Cửa Đại (thuộc phường Cửa Đại, TP Hội An) nhằm chắn cát bay, chống xói lở, tạo cảnh quan. Còn bờ phía nam (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên) cũng nên trồng rừng phòng hộ. Ngoài ra, thiết kế, xây dựng hệ thống kè phá sóng xa bờ tại bờ bắc Cửa Đại với mục tiêu bảo vệ bờ và tạo bãi tắm (dạng tombolo); xây dựng hệ thống kè kiên cố (tường biển) dọc bờ nam Cửa Đại nhằm bảo vệ và hình thành đường giao thông hoặc xây dựng hệ thống kè chắn sóng xa bờ tương tự ở bờ bắc Cửa Đại.
   
  Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng như TP Hội An cần có các công trình nghiên cứu về nguyên nhân gây sạt lở, mới có giải pháp phòng chống hiệu quả và bền vững. Đặc biệt là giải pháp nghiên cứu tổng thể xây dựng kè chống sạt lở bờ biển khu vực Hội An; nghiên cứu kỹ các điều kiện về địa hình, địa chất, thủy văn cũng như chế độ gió, dòng chảy của bờ biển Hội An và các vùng phụ cận để xác lập các cơ sở khoa học về nguyên nhân, các nhân tố gây nên biến động đường bờ tại vùng biển Hội An và vùng phụ cận như hiện nay.
   
Bài và ảnh:Lan Anh - Anh Dũng
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Loay hoay cứu bờ biển Cửa Đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO