Để tạo công ăn việc làm và hạn chế tình trạng phá rừng, tỉnh Quảng Nam đang tăng cường triển khai công tác giao đất, giao rừng cho người dân |
Công văn yêu cầu UBND các huyện khẩn trương giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho người dân địa phương có nhu cầu thực sự từ đất rừng phòng hộ, đặc dụng đã điều chỉnh sang đất rừng sản xuất theo Quyết định ngày 11/01/2017 của UBND tỉnh và từ diện tích đất lâm nghiệp hiện do UBND xã quản lý để nhân dân có đất sản xuất, ổn định cuộc sống.
Kiểm tra tiến độ trồng cây cao su của các công ty cao su trên địa bàn. Trường hợp chậm tiến độ, yêu cầu Công ty xác định cụ thể thời gian hoàn thành để xem xét gia hạn phù hợp và ký cam kết với UBND huyện. Nếu tiếp tục chậm tiến độ sẽ thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai để giao cho nhân dân phát triển sản xuất. Rà soát lại thực tế giao đất lâm nghiệp cho nhân dân trên địa bàn để xem xét điều chỉnh giảm diện tích quá lớn của một số hộ gia đình sang cho các hộ có diện tích ít, nhân khẩu nhiều, gia đình khó khăn hoặc các hộ thực tế có nhu cầu nhưng chưa được giao đất lâm nghiệp.
Đồng thời, tích cực vận động nhân dân liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, cho doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp để tích tụ đất đai, trồng rừng, hình thành chuỗi giá trị rừng (giống cây - trồng rừng - chăm sóc, quản lý - khai thác - chế biến - tiêu thụ) đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025; triển khai Nghị định của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Lập danh sách các hộ dân có nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 báo cáo về Ban Dân tộc tỉnh.
Tỉnh Quảng Nam cũng tích cực vận động nhân dân liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, cho doanh nghiệp thuê đất lâm nghiệp để tích tụ đất đai, trồng rừng, hình thành chuỗi giá trị rừng |
Sở Nông nghiệp và PTNT giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, thống kê diện tích đất của người dân đã và đang sử dụng ổn định lâu dài (đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, trồng cây kinh tế) nhưng hiện nay đã đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; tổng hợp tham mưu UBND tỉnh phương án bồi thường hoặc tạo cơ chế khai thác phù hợp để chuyển đổi trồng rừng theo đúng mục đích quy hoạch.
Thống kê, tổng hợp số lượng các cộng đồng dân cư, hộ gia đình đang sinh sống trong khu vực quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng. Trong đó xác định số lượng có thể hoặc không thể di dời ra khỏi rừng phòng hộ, đặc dụng. Trường hợp không thể di dời, đề xuất giải pháp để cộng đồng, hộ gia đình sinh sống ổn định gắn với quản lý, bảo vệ rừng; nghiên cứu mô hình đồng quản lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với các địa phương căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2016, xác định nhu cầu kinh phí đo đạc, hiệu chỉnh, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo Quyết định số 2265/QĐ-UBND ngày 23/6/2017 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 19/4/2017 của HĐND tỉnh về Phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025.
UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có rừng và Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/11/2017.
Yến Nhi