Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại). Thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, con, hiện vật. Giống cây, con, hiện vật hỗ trợ phải đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện sinh thái và thực tế của địa phương. Việc hỗ trợ phải công khai, minh bạch, đúng mức và đúng đối tượng. Trong trường hợp có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cùng một nội dung, hộ sản xuất chỉ được nhận hỗ trợ một chính sách phù hợp nhất. Cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại thuộc địa phương nào thì được xem xét hỗ trợ tại địa phương đó.
Mức hỗ trợ đối với sản xuất cây dược liệu: hỗ trợ từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ha tùy loại cây mà mức độ thiệt hại. Đối với sản xuất hoa, cây cảnh (không áp dụng cho hoa, cây cảnh trồng làm đẹp cảnh quan), hỗ trợ 2 triệu đến 6 triệu đồng/ha; hoa, cây cảnh trồng chậu hỗ trợ từ 2 đến 8 triệu đồng/1 nghìn chậu, tùy loại. Hỗ trợ đối với sản xuất giống cây ăn quả từ 20 triệu đến 40 triệu đồng/ha; hỗ trợ đối với nuôi thủy, hải sản lồng, bè nước lợ mặn vùng cửa sông, ven bờ từ 10 triệu đến 20 triệu đồng/100m3 lồng. Hỗ trợ đối với nuôi chim cút từ 4 nghìn - 7 nghìn đồng/con.
Các huyện miền núi (Phước Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước), ngân sách tỉnh hỗ trợ 90%. Các huyện đồng bằng chưa tự cân đối được ngân sách (Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh), ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%. Các huyện, thị, thành phố cân đối được ngân sách (Hội An, Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành), ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%.