Hiện trạng sụt lún nghiêm trọng của cầu Hà Tân nối tuyến đường ĐH4.DX tại xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) |
Theo đó, với phương án 1 (kinh phí khoảng 3,1 tỷ đồng), giải pháp sửa chữa tạm thời chủ yếu là giữ ổn định cho các nhịp 9, 10 và 13, 14 được kê lên các trụ T8, T13 bị lún sụt hư hỏng; hiện trạng giữ nguyên không thay đổi. Mặt cầu tại đỉnh trụ T9 sửa chữa bằng phẳng đảm bảo ATGT cho xe thô sơ và người đi bộ.
Đối với phương án 2 là, sửa chữa gia cố toàn bộ trụ cầu (dự kiến hơn 19 tỷ đồng) là phương án tận dụng lại kết cấu nhịp, thiết kế và thi công mới tất cả 15 trụ cầu. Đồng thời sửa chữa hư hỏng cục bộ đảm bảo chất lượng công trình lâu dài.
Phương án 3, thiết kế cầu mới vĩnh cửu quy mô theo 2 hướng: khổ cầu rộng 10,5m đúng quy hoạch đường 2 đầu cầu (kinh phí hơn 110 tỷ đồng), hoặc khổ cầu rộng 13,5m, có lề dành cho người đi bộ (gần 134,2 tỷ đồng).
Theo Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho biết thì, những người có trách nhiệm nghiêng về lựa chọn phương án 2 là sửa chữa gia cố toàn bộ trụ cầu.
Do kinh phí khá lớn, cầu mới chưa thể xây dựng trong thời điểm này. Đối với phương án 1 là kê đỡ nhịp trụ hai bên bị hư hỏng, tuy nhiên các trụ khác nếu bị xói lở sẽ gây ra sự cố khó lường.
Chưa kể, việc đi lại chỉ dành cho xe thô sơ và người đi bộ, còn xe du lịch và xe tải khác lưu thông trên tuyến đường ĐH4.ĐX từ trước tới nay vẫn thường xuyên bị ách tắc.
Đại diện Phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) cho biết: Đối với phương án 2, trụ tạm kết cấu thép sẽ được làm nhằm đỡ kết cấu nhịp cầu cũ khi sàng nhịp ra vị trí tạm thời.
Dùng hệ sà lan đặt dưới đáy nhịp cầu cũ, kê đệm dưới đáy tất cả các dầm ở đầu nhịp lên sà lan để nâng kết cấu nhịp khỏi trụ cầu cũ. Kích hệ nhịp cầu lên và dịch chuyển sà lan lên thượng lưu rồi hạ nhịp dầm xuống trụ tạm.
Các trụ cầu cũ sẽ phá bỏ và thi công trụ mới, mố 2 đầu cầu được tận dụng. Sau đó, đưa hệ nhịp cầu từ trụ tạm vào vị trí trụ mới. Khe co giãn cũng thay mới và thảm lại toàn bộ bê tông nhựa mặt cầu. Đối với phương án này sẽ đảm bảo cho tải trọng thiết kế cầu ban đầu trọng lượng mỗi xe giới hạn 8 tấn) và người đi bộ là 300kg/m2 lưu thông.
Tuy nhiên, cần tính toán liệu có thể thi công luôn hệ trụ mới song song với cầu cũ, rồi đưa nhịp cầu cũ vào trên trụ mới. Nếu như thế, khỏi tốn thời gian, kinh phí đóng trụ tạm, chuyển nhịp dầm từ trụ cũ sang trụ tạm, rồi lại chuyển từ trụ tạm sang trụ mới.
Nhưng có điều, mố cầu phải làm mới tại vị trí khác và đụng giải phóng mặt bằng. Ngược lại, khi có nguồn lực, việc thi công cầu mới ngay tại vị trí cũ đúng quy hoạch sẽ dễ dàng hơn.
Chọn phương án nào, kinh phí hỗ trợ cho huyện Duy Xuyên ra sao sẽ được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam quyết định trong thời gian tới.
Dương Bùi