Trong bài viết Thực hư tác dụng của “thần dược” Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị? và Hàng loạt “sao” giải trí vô tình tiếp tay cho công ty Tuệ Đức lừa dối khách hàng? Báo TN&MT đã phản ánh thông tin liên quan tới công ty cổ phần Đông y Tuệ Đức (sau đây sẽ gọi tắt là công ty Tuệ Đức) quảng cáo hai sản phẩm thực phẩm chức năng là Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị và Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị HP như là “thần dược” chữa bệnh trào ngược dạ dày và có thể thay thế toàn bộ các loại thuốc Tây y. Bên cạnh đó, công ty này còn đăng tải hàng loạt video, hình ảnh người nổi tiếng để tư vấn và quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh.
Thế nhưng mọi chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Nhằm tiếp tục tạo dựng niềm tin của khách hàng, công ty Tuệ Đức còn sử dụng hàng loạt hình ảnh, tên của một số bác sỹ, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo sản phẩm. Tất cả những ý kiến đó đều có thể khiến người tiêu dùng nhầm lẫn hai sản phẩm trên là thuốc chữa bệnh.
Cụ thể, trên website hoannguyenvi.vn (do công ty Tuệ Đức đăng ký sử dụng) còn có chuyên mục “Các chuyên gia đầu ngành nói về Hoàn Nguyên Vị”. Chuyên mục này đăng tải ý kiến của GS. TS Dương Trọng Hiếu, bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương như sau: “Đúng như tên gọi của sản phẩm, Vị là dạ dày, Hoàn Nguyên là trở lại như lúc ban đầu. Hoàn nguyên vị là sản phẩm khôi phục lại dạ dày, giúp dạ dày không bị rối loạn chức năng nữa, từ đó không còn hiện tượng trào ngược. Thành phần Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị đều là các vị thuốc nam an toàn, được dùng nhiều trong dân gian, như Khôi tía điều hòa co bóp dạ dày; Loét mồm chống viêm, giảm đau, liền vết loét; Khương hoàng tăng khả năng tiêu hóa; Cam thảo an thần, tăng khả năng tiết axit và điều hòa các vị thuốc trong bài”
Bên cạnh đó là ý kiến của TS. BS Phạm Hưng Củng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Chức năng Việt Nam với nhận định: “Tôi đánh giá cao Đông y Tuệ Đức, công ty đã rất khôn khéo trong việc kết hợp chính các vị thuốc Nam trồng trên mảnh đất Việt để tạo ra một sản phẩm rất tốt cho bệnh nhân trào ngược dạ dày. Vì những nỗ lực, đóng góp không ngừng suốt 3 năm qua cho cộng đồng các bệnh nhân trào ngược dạ dày, Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam đã chính thức trao tặng giải thưởng Sản phẩm vàng vì Sức khỏe cộng đồng cho sản phẩm Tuệ Đức Hoàn Nguyên Vị.”
Song song với việc sử dụng hình ảnh của bác sĩ, cơ sở y tế để đánh bóng thương hiệu, công ty Tuệ Đức còn khẳng định chắc nịch rằng “90% khách hàng sử dụng rất hài lòng về sản phẩm”. Tại chuyên mục “Hãy xem mọi người nói gì sau khi dùng Hoàn Nguyên Vị HP”, công ty này dẫn ra nội dung và hình ảnh của một số khách hàng.
Cụ thể, siêu mẫu Võ Hoàng Yến nhận xét: “Mới dùng thì Yến còn đau, nhưng đến ngày thứ 7 thì đã giảm hẳn. Chỉ sau hơn 2 tháng sử dụng sản phẩm Yến đã ăn ngủ tốt hơn. Giờ Yến khỏi bệnh rồi, ai cũng khen mình tự tin và đẹp hơn trên sân khấu”. Khách hàng Nguyễn Thu Hương (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho rằng: “Tôi uống 10 ngày thì đau thượng vị đã giảm hẳn, đến 20 ngày là đã hết đau hoàn toàn”. Chị Ngọc Linh (Quận 1, TP.HCM) phát biểu: “Uống được 7 ngày, tôi đã giảm hẳn nóng rát thượng vị. Uống hết 6 ngày là 30 ngày, các triệu chứng của tôi đã giảm gần hết”. Chị Phương (Quy Nhơn – Bình Định) nói: “Mình chỉ uống sản phẩm của công ty hơn 2 tháng nhưng các triệu chứng đã hết hẳn, mình đã gần như khỏi bệnh. Mình sẽ giới thiệu mọi người về sản phẩm này”.
Trong khi đó, Thông tư số 08/TT-BYT ngày 23/8/2004 định nghĩa thực phẩm chức năng là: “Thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng bổ sung dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật”.
Khoản 4, Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo nêu rõ: “Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”. Khoản d, Mục 2, Điều 7, Thông tư số 09/2015/TT-BYT thì cấm: “Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm”.
Đối với hàng loạt những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty Tuệ Đức, dư luận có quyền đặt câu hỏi trách nhiệm của cơ quan quản lý mà cụ thể ở đây là Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế ở đâu khi để những vi phạm này ngang nhiên diễn ra trong suốt một thời gian dài.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc