Theo phản ánh của người dân thôn Cây Bông, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ trên địa bàn có một nhà máy dăm gỗ ngang nhiên hoạt động dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Việc nhà máy này hoạt động làm ảnh hưởng đến cạnh tranh giá cả, đời sống sản xuất của bà con.
Người dân địa phương cho biết, nhà máy gỗ dăm được xây dựng khoảng 3 năm nay. Trước đây nhà máy do ông Trần Văn Thọ (trú thôn Đông Xuân, xã Văn Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ) đứng tên thuê lại đất của ông Lê Văn Thanh (trú thôn Cây Bông, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ). Sau một thời gian, ông Thọ đã sang nhượng lại cho ông Trần Văn Dương, người ở xã Văn Thuỷ, huyện lệ Thuỷ quản lý vận hành.
Nhà máy gỗ dăm không phép hoạt động nhiều năm qua tại xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy |
Ghi nhận của PV vào ngày 15/2, tại nhà máy gỗ dăm này các xe tải lần lượt vận chuyển vào xả gỗ sát băng chuyền để máy cẩu gắp lên băng đưa vào băm xay. Xe tải nào xả gỗ xong lại chạy vòng ra ngoài để chở gỗ nguyên liệu vào vận hành mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Vị trí nhà máy gỗ băm dăm nằm ngay sát đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, với công suất khá lớn. Nhà máy không có biển báo, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống xử lý rác thải, bảo hộ an toàn lao động… Tuy nhiên, vẫn hoạt động công khai cả ngày lẫn đêm mà không gặp bất cứ trở ngại nào.
Nhà máy này đã từng bị xử phạt về hoạt động trái phép này. |
Ngoài ra, nhà máy gỗ dăm này còn ngang nhiên mở đường đấu nối với đường Hồ Chi Minh trái quy định, gây mất an toàn giao thông đối với người và phương tiện khi lưu thông qua đoạn đường này.
Nhà máy vẫn vận hành thách thức cơ quan chức năng? |
Trao đổi với PV, ông Hồ Văn Tuyên, Chủ tịch UBND xã Kim Thủy cho rằng: “Thôn Cây Bông chỉ có bãi thu mua keo không phù hợp, xã đã lập biên bản đình chỉ, còn xay là của nhà máy An Phước đã có giấy phép hoạt động”.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Ngọc Trâm, Trưởng phòng TNMT huyện Lệ Thủy cho biết trong thời gian vừa qua trên địa bàn huyện Lệ Thuỷ tồn tại một số cơ sở xay dăm gỗ và bãi tập kết không đúng quy định; trong đó có trường hợp nhà máy hoạt động xay dăm gỗ khi chưa có giấy phép ở thôn Cây Bông, xã Kim Thủy. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tập trung kiểm tra và xử lý.
“Theo báo cáo của xã thì có trường hợp này và huyện đã chỉ đạo luôn xã xử lý vi phạm về đất đai. Và đến tại thời điểm này, phòng TNMT vẫn chưa nhận được bất cứ hồ sơ văn bản pháp lý nào liên quan đến trường hợp này cả. Nhà máy này có lẽ xã họ nắm rõ hơn, vì tôi ở trên này thì không nắm rõ được các công ty đó”, bà Trâm cho biết.
Nhà máy đấu nối trái phép ra quốc lộ. |
Được biết, trước đó năm 2018 UBND xã Kim Thủy đã lập biên bản và xử phạt 4 triệu về hoạt động trái phép này. Tuy nhiên sau khi xã xử phạt xong, đến nay nhà máy không khắc phục mà hoạt động rầm rộ hơn.
Một nhà máy gỗ dăm xây dựng, hoạt động trái phép trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa bị xử lý. Dư luận đang đặt câu hỏi, liệu ngành chức năng tỉnh Quảng Bình không có biện pháp xử lý hay đang có sự bao che cho sai phạm này?