Quảng Bình: Cán bộ xã "ăn chặn" tiền hỗ trợ của dân?

06/04/2016 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, Báo điện tử TN&MT nhận được đơn thư phản ánh của người dân ở xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) về việc một số cán bộ xã Quảng Châu đã cố tình trích lại một số tiền hỗ trợ trong dự án di giãn dân cư, ổn định đời sống.

Dân “tố” cán bộ xã ăn chặn tiền hỗ trợ

Dự án di giãn dân do UBND huyện Quảng Trạch làm chủ đầu tư, đơn vị hưởng lợi là UBND xã Quảng Châu, dự án này có 140 hộ dân được hỗ trợ, mỗi hộ 10 triệu đồng. Giai đoạn 2011 đến 2013, dự án chỉ mới thực hiện hỗ trợ được 62 hộ (năm 2011 có 30 hộ được nhận tiền, năm 2012 có 13 hộ và năm 2013 có 19 hộ).

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều hộ dân thì trong quá trình nhận tiền hỗ trợ, một số cán bộ xã đã bắt các hộ dân ký nhận 10 triệu đồng, trên thực tế lúc nhận tiền thì các hộ dân nói trên đều bị trích lại một số tiền từ 1,4 đến 2,2 triệu đồng với lý do trích lại để “làm giấy tờ, chạy dự án”.

Bà Đặng Thị Toàn không biết số tiền 2.2 triệu đồng xã trích lại để làm gì?
Bà Đặng Thị Toàn không biết số tiền 2.2 triệu đồng xã trích lại để làm gì?

Bà Đặng Thị Toàn (sinh năm 1942) ở chòm 1, thôn Tiền Tiến cho biết: “Gia đình tôi sinh sống ở đây từ năm 1983, đến năm 1993 được cấp bìa đỏ và sống ổn định đến nay. Năm 2013, gia đình tôi có trong danh sách được hỗ trợ tiền di giãn dân, rồi được xã thông báo lên nhận tiền. Khi ký nhận tiền thì con trai tôi là Trình Văn Châu nhận thay tôi ký nhận đủ 10 triệu nhưng thực tế họ chỉ trả 7,8 triệu đồng, số tiền còn lại họ làm gì thì mình không biết. Người dân chúng tôi thấy xã kêu lên cho tiền là mừng rồi chứ nói ký để lấy thì nhận nấy chứ không biết, họ nói trích lại thì mình cũng trích”.

Tương tự chị Trình Thị Hoa, anh Đàm Văn Yên cũng ở thôn Tiền Tiến cho biết: “Khi nhận tiền thì ký nhận đủ 10 triệu nhưng bị trích lại 2 triệu đồng, lúc đó chị Hiền (Hồ Thị Hiền, kế toán xã) thủ quỹ đưa tiền nói tôi ký, tôi hỏi thì họ nói là trích để làm giấy tờ, còn làm gì tờ gì thì mình không biết. Gia đình tôi ở đây từ năm 2002 đến nay, hồi đó xã nói ra nhận tiền thì mình ra, cho tiền thì mình lấy, được bao nhiêu thì được chứ mình có biết gì đâu”.

Gia đình ông Trình Công Lang, bà Đàm Thị Mơ cùng ở thôn Tiền Tiến năm 2011 cũng chỉ nhận được 7,8 triệu, còn 2,2 triệu không biết họ trích lại vì lý do gì. “Gia đình tôi ở đây từ năm 1997, năm 2011 chúng tôi cũng được nhận tiền 7,8 triệu, nhưng khi ký nhận trên giấy lại ghi là 10 triệu, tiền trích lại mình cũng họ làm gì cũng không thấy họ nói gì cả. Từ lúc nhận tiền đến nay gia đình chúng tôi vẫn ở đây chứ không hề di chuyển đâu cả”, bà Mơ cho biết.

Ngôi nhà Bà Đặng Thị Toàn ở từ năm 1982, có bìa đỏ từ năm 1993
Ngôi nhà Bà Đặng Thị Toàn ở từ năm 1982, có bìa đỏ từ năm 1993

Ông Đàm Minh Tiến, nguyên Trưởng thôn Tiền Tiến từ năm 2009 đến 2014 cho biết: “Có 3 đợt, năm 2011 đợt 1, năm 2012 đợt 2 còn đợt cuối là năm 2013. Hai đợt đầu là có thôn bình xét, còn đợt cuối cùng là do xã xét, tự lập dân sách chứ không thông qua thôn. Hầu hết những người dân nằm trong dự án di giãn dân là đã ở đây từ trước, đến nay nhiều hộ vẫn ở nguyên chứ không hề di chuyển đi, có nhiều hộ thời điểm này đã được cấp bìa đỏ. Thời kỳ tôi đang làm, số tiền mà người dân nhận là do xã phát cho dân, trích lại bao nhiêu, làm gì tôi cũng không hề biết”.

Ngoài những hộ gia đình trên thì còn có nhiều hộ gia đình khác đều bị trích lại một số tiền 1,4 triệu, 2 triệu và có hộ 2,2 triệu đồng, tùy vào giai đoạn khác nhau, mặc dù họ đều phải ký nhận đủ 10 triệu đồng. Nhiều hộ dân không biết lý do vì sao bị trích lại một số tiền, có hộ được giải thích trích lại là để làm giấy tờ và cũng có hộ được giải thích trích lại một phần để "chạy dự án". Điều đáng nói, có nhiều hộ dân đã định cư sinh sống ổn định từ lâu, thậm chí có nhiều gia đình đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được bình xét trong dự án di giãn dân, từ lúc nhận tiền đến nay đa phần các hộ dân đều ở nguyên chứ không hề di chuyển đến nơi ở khác.

Không đủ cơ sở để kết luận?

“Đợt thu đầu có 30 hộ dân, mỗi hộ được nhận 10 triệu, tuy nhiên khi phát tiền ông Châu nói trích lại 1,4 để bồi dưỡng cho cán bộ chạy dự án. Sau đó, tổ chức liên hoan ăn uống cũng có ông Vinh, Chủ tịch xã và một số cán bộ khác tham gia”, ông Đặng Văn Toàn, xóm 3, thôn Tiền Tiến cho biết.

Số tiền mà người dân phải trích trong 3 đợt đều khác nhau, đợt đầu tiên (năm 2011) có 30  hộ dân nằm trong danh sách di giãn dân đều phải trích lại 1,4 triệu đồng. Hai đợt sau thì tùy theo từng hộ dân hộ thấp nhất là 1,4 triệu đồng còn hộ cao nhất là 2,2 triệu đồng. Hầu hết những hộ dân phải trích lại tiền đều không biết cán bộ xã trích lại tiền làm gì.

Ông Hoàng Trọng Kim- Chủ nhiệm UBKT huyện ủy Quảng Trạch cho rằng: “không đủ cơ sở để kết luận”?
Ông Hoàng Trọng Kim - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Quảng Trạch cho rằng: “Không đủ cơ sở để kết luận”!

Trao đổi với phóng viên ông Đàm Xuân Vinh - Chủ tịch UBND xã Quảng Châu, quả quyết: “Không có chủ trương chỉ đạo trích lại bao nhiêu tiền, xã đều thực hiện chi trả đủ số tiền 10 triệu đồng cho mỗi hộ dân nằm trong danh sách. Còn việc trích lại bao nhiêu, ai trích như dân phản ánh thì không biết. Việc này Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy (UBKT) đã kiểm tra và đã có kết luận, có hồ sơ cả. Hiện nay mọi hồ sơ UBKT Huyện ủy họ đang nắm hết”.

Trước vấn đề này, ông Hoàng Trọng Kim - Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Quảng Trạch cho biết: “Mục tiêu của dự án là hỗ trợ những hộ dân di dời ổn định đời sống. UBKT Huyện ủy đã nhận được đơn thư phản ánh và đã thành lập đoàn thẩm tra vấn đề này. Qua làm việc với các hộ dân thì họ đều phản ánh việc ký nhận 10 triệu đồng nhưng bị trích lại một số tiền khác nhau từ 1,4 triệu đến 2,2 triệu. Lẽ ra là số tiền được rót trực tiếp về cho dân, nhưng do Phòng Tài chính kế hoạch đây họ còn nhiều việc quá nên họ đã ủy quyền lại cho UBND xã Quảng Châu, nhờ xã phát trực tiếp cho người dân. Dân phản ánh tiền trích lại đưa cho anh Châu (nay đã mất). Đây là sự việc nghiêm trọng, nếu phát hiện có yếu tố sẽ chuyển sang cơ quan công an điều tra khởi tố, truy tố trước pháp luật, đây là hành vi ăn chặn tiền của dân”.

“Khi chúng tôi kiểm tra việc giống như phản ánh của nhân dân nhưng lại không có một văn bản nào, chỉ nghe dân họ nói trích lại tiền cho xã thôi. Do ông Châu trước kia phát tiền cho dân đã mất rồi nên không biết nguồn tiền nay giờ nó nằm ở đâu, còn bà Hiền khẳng định chi đủ 10 cho dân nên UBKT Huyện ủy buộc phải kết luận là đơn nêu vô chưa đủ căn cứ để kết luận, có cơ sở nhưng mà nói chưa đủ cơ sở để kết luận”, ông Hoàng Trọng Kim cho biết thêm.

Từ khi nhận tiền đến nay hầu hết các hộ dân đều không hề di chuyển đến nơi khác, họ khẳng định có trích tiền cho xã. Trong khi đó UBKT Huyện ủy cho rằng không đủ cơ sở để kết luận vì người trực tiếp thu tiền phát tiền đã mất? Dư luận nhân dân đang hết sức bất bình trước việc làm của cán bộ xã Quảng Châu. Số tiền hỗ trợ người dân bị trích nay ở đâu, làm việc gì? Có hay không việc cán bộ xã Quảng Châu ăn chặn tiền hỗ trợ của dân?.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

               Bài & ảnh: Tuyết Trang - Bình Tĩnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Bình: Cán bộ xã "ăn chặn" tiền hỗ trợ của dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO