Ông Lại Hồng Thanh - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết, mục tiêu tổng quát Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon.
Mục tiêu cụ thể là hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia; thăm dò, khai thác, chế biến đối với hầu hết các khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới; hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỷ lệ 1:500.000 trên biển; hoàn thành công tác điều tra cơ bản đối với các tài nguyên địa chất khác; hình thành nền công nghiệp khai khoáng tiên tiến, hiện đại gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh tương đương với các nước tiên tiến khu vực Châu Á.
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết, Chiến lược khoáng sản đã cụ thể hóa nội dung thăm dò, khai thác, chế biến đối với một số loại khoáng sản quan trọng, kết quả sau 10 năm thực hiện như: Mục tiêu nâng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong GDP từ 10% (năm 2011) lên đến 15-20% (năm 2020); tăng tỷ trọng ngành công nghiệp khai khoáng trong sản xuất công nghiệp; mục tiêu phát triển một số ngành công nghiệp khai thác, chế biến sâu như: lọc, hóa dầu, sắt thép, đồng, phân bón, hóa chất, titan, đất hiếm..., alumin - nhôm, xi măng, vật liệu xây dựng...
Về đầu tư cải tạo, mở rộng đối với các mỏ khoáng sản đang hoạt động theo quy hoạch khoáng sản đã duyệt; đầu tư cải tạo công nghệ, thiết bị hoặc thay thế các cơ sở chế biến khoáng sản đã lạc hậu; đầu tư từ ngân sách Nhà nước để thăm dò một số khoáng sản chiến lược như: urani, đất hiếm và một số mỏ để đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tăng dự trữ một số khoáng sản…
Để đạt mục tiêu tăng dự trữ một số khoáng sản vì lợi ích lâu dài như Nghị quyết đề ra, Tổng cục đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới như: Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; thống nhất và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tăng cường nguồn lực thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất; ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản tài nguyên địa chất, thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.
Tổ chức thực hiện Nghị quyết số 10, trong năm 2022, Tổng cục đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi) để Bộ TN&MT trình Chính phủ trong tháng 9/2022. Theo đó, Tổng cục đã tổng kết đánh giá đầy đủ kết quả 10 năm thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010; thể chế hóa đầy đủ các chính sách mới đối với công tác điều tra cơ bản địa chất, về tài nguyên địa chất; sửa đổi, bổ sung hoàn thiện nội dung các chính sách trong lĩnh vực khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của Nghị quyết số 10 và đã đề xuất, được Chính phủ thống nhất thông qua việc xây dựng dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để thay thế Luật Khoáng sản năm 2010.
Đồng thời, Tổng cục xây dựng “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” để Bộ TN&MT trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2022; xây dựng “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050” để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2022.
Hiện nay, Tổng cục đang tiếp thu ý kiến của Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội khoá XV. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT sẽ triển khai thực hiện Dự án xây dựng Luật Địa chất và Khoáng sản để Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét tại Kỳ họp thứ 6 năm 2023, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 năm 2023.