Thế giới

Quan tâm về khí hậu vùng Sừng châu Phi: Chìa khóa đối với an ninh lương thực

Mai Đan (Tổng hợp từ UN News) 29/06/2023 - 10:29

(TN&MT) - Liên hợp quốc cảnh báo xung đột vũ trang, giá lương thực tăng cao và suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực kỷ lục ở vùng Sừng châu Phi, với ước tính 60 triệu người cần giúp đỡ khẩn cấp.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho rằng, mối quan tâm về vấn đề khí hậu chính là giải pháp cho tình trạng này.

Mưa lũ làm tăng số vụ bùng phát dịch bệnh

Bà Liesbeth Aelbrecht - người quản lý sự cố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho trường hợp khẩn cấp ở vùng Sừng châu Phi cho biết: “Khoảng 5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính vào năm 2023 ở vùng Sừng châu Phi mở rộng”.

Tại các phòng khám và bệnh viện, kể từ đầu năm nay, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng nghiêm trọng ở mức cao nhất, với các biến chứng y tế kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu cách đây 3 năm.

Nhắc lại cảnh báo đó, quan chức cấp cao của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) - ông Dominique Ferretti cho biết, những cơn mưa và lũ quét tàn khốc đã diễn ra sau gần 3 năm hạn hán. Mặc dù vừa kết thúc mùa mưa với kết quả tốt hơn dự báo, nhưng mùa mưa này không đủ để chấm dứt khủng hoảng.

Những cơn mưa được chờ đợi từ lâu đã đến vào tháng 3 trên khắp khu vực Cơ quan liên chính phủvềphát triển (IGAD) gồm 8 thành viên - Djibouti, Eritrea, Ethiopia, Kenya, Somalia, Nam Sudan, Sudan và Uganda, nhưng lũ lụt đã làm ngập nhà cửa và đất canh tác, cuốn trôi gia súc, đóng cửa trường học và các cơ sở y tế.

anh-1-phu-nu-lay-nuoc.jpg
Phụ nữ lấy nước ở khu vực hạn hán Marsabit, miền Bắc Kenya. Ảnh: WFP

Mưa lũ cũng khiến số vụ bùng phát dịch tăng đến mức cao nhất ở vùng Sừng châu Phi mở rộng trong thế kỷ này. Bà Aelbrecht cho hay: “Các đợt bùng phát dịch tả và sởi đang diễn ra, với “số lượng rất cao” vào năm ngoái và năm nay, và có cả các trường hợp mắc bệnh sốt rét. Tác động của lũ lụt khiến những căn bệnh này trở nên tồi tệ hơn. Sốt rét là một trong những “kẻ giết người” lớn nhất trong khu vực”.

Đầu tư là giải pháp chính

Bên cạnh mối đe dọa về dịch bệnh, 60 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng, bao gồm hơn 15 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, 5,6 triệu trẻ em gái vị thành niên và gần 1,1 triệu phụ nữ mang thai. Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), gần 360.000 người trong số họ sẽ sinh con trong 3 tháng tới.

Ông Michael Ebele - Cố vấn Nhân đạo Khu vực Đông và Nam Phi của UNFPA cho biết, những phụ nữ buộc phải tìm kiếm thức ăn để tồn tại và cái giá phải trả là sức khỏe của chính họ.

Trong một diễn biến liên quan, tại một cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, FAO lưu ý những mối quan tâm về khí hậu là chìa khóa đối với an ninh lương thực trong những tháng tới.

Các dự báo toàn cầu cho thấy hiện tượng El Nino đã xuất hiện và sẽ tăng cường trong thời gian còn lại của năm nay, có thể mang lại lượng mưa trên mức trung bình trong mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12 trên khắp các khu vực phía Đông của vùng Sừng châu Phi, bao gồm phần lớn Kenya và vùng Somali của Ethiopia.

Bà Brenda Lazarus - chuyên gia kinh tế cảnh báo sớm và an ninh lương thực tại Văn phòng tiểu khu vực Đông Phi của FAO cho biết, El Nino có thể làm giảm phần nào nguy cơ lũ lụt tại các khu vực dễ bị lũ như Nam Sudan. Tuy nhiên, về mặt rủi ro, lượng mưa và hạn hán dưới mức trung bình, cùng với các nguyên nhân khác gây mất an ninh lương thực có thể sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và làm gia tăng mức độ đáng báo động.

FAO nhấn mạnh cần phải chuyển đổi từ một hệ thống chủ yếu tập trung vào ứng phó khẩn cấp sang dự báo và giảm thiểu khủng hoảng thông qua các khoản đầu tư như thu hoạch nước mưa, bảo tồn đất và nước hoặc sử dụng các loại cây trồng chịu hạn tốt hơn và đảm bảo hạt giống luôn sẵn có tại địa phương.

Ngoài ra, việc thu hút những người trẻ tuổi tham gia xây dựng các hầm chứa cũng có thể tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan tâm về khí hậu vùng Sừng châu Phi: Chìa khóa đối với an ninh lương thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO