Xã hội

Quan Sơn (Thanh Hóa): Hiệu quả từ mô hình vay vốn nuôi bò sinh sản

Thanh Tâm 30/08/2023 - 14:39

Thay vì các phần quà như trước đây, những năm gần đây Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh hóa đã triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” trong đó cho hội viên vay vốn mua bò cái sinh sản để chăn thả. Từ đó tạo sinh kế bền vững, chủ động trong chăn nuôi sản xuất. Từ nguồn vốn vay ban đầu nhiều hội viên đã vươn lên thoát nghèo.

Tam Thanh là một xã biên giới của huyện Quan Sơn, cách trung tâm huyện 20km, xã có 18km đường biên giới quốc gia với nước bạn Lào. Đường xá đi lại giữa các thôn, bản khó khăn nhất là mùa mưa lũ, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Để giúp người dân, đặc biệt là các hội viên phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp phụ nữ xã đã xây dựng phương án, kế hoạch phát triển tổ hợp tác “Chăn nuôi bò Thành Công xã Tam Thanh”.

Trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 có rất nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ vùng biên phát triển kinh tế. Một trong những mô hình tạo sự phấn khởi, tin tưởng sẽ giúp cho nhiều gia đình chị em phụ nữ nơi đây sớm thoát nghèo là mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

Mô hình tổ hợp tác “Chăn nuôi bò sinh sản xã Tam Thanh”. Do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cùng phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Lễ bàn giao và thành lập cho các hộ gia đình phụ nữ nghèo, khó khăn tại xã Tam Thanh huyện Quan Sơn vào tháng 8 năm 2018. Chia làm 2 đợt, đợt 1, Có 20 thành viên tham gia tổ hợp tác với tổng số vốn là 290.000.000đ. Mỗi hộ được vay 14,500.000đ. Năm 2019 thu hồi vốn và tiếp tục cho 6 hộ vay nâng lên 26 hộ tổng đàn là 48 con bò. Bò giống được Hội LHPN xã và Hội LHPN huyện liên hệ mua của các hộ chăn nuôi bò ở các xã trong toàn huyện nhằm đảm bảo bò phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng để sinh sản và phát triển tốt. Bò trước khi mua được tiêm phòng đầy đủ. Thức ăn chủ yếu là chăn thả tự nhiên và cho ăn thêm cây chuối, rơm, cám, cỏ voi…

anh-1(3).jpg
Từ nguồn vốn vay, các hội viên mua bò cái sinh sản chăn thả góp phần tạo sinh kế bền vững

Từ sự phát triển của mô hình bò, tháng 7/2020 Hội LHPN huyện tiếp tục tham mưu và phối hợp với Hội LHPN Tỉnh tổ chức trao đợt 2 với 22 con bò cái sinh sản, thu hút thêm 42 hộ hội viên phụ nữ nghèo tham gia. Nâng tổng số đàn bò lên 68 con với 68 hội viên tham gia tổ liên kết, tổng trị giá 650 triệu đồng. Các thành viên bỏ thêm vốn đối ứng 179.786.000 triệu đồng.

Bò trong độ tuổi 10 - 12 tháng, trọng lượng trung bình 160kg, được tiêm phòng vaccine đầy đủ. Hội còn hỗ trợ các hộ nuôi thức ăn hỗn hợp và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. Đàn bò thích nghi và sinh trưởng, phát triển tốt. Qua thực tế, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế của mô hình hơn hẳn so với phương thức chăn nuôi truyền thống, việc chăn nuôi theo tổ liên kết và áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả cao, đàn bò phát triển nhanh, không xảy ra dịch bệnh, tiết kiệm được công lao động của tổ.

Chị Hà Thị Hà - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Thanh cho biết: Ngoài mang lại hiệu quả về kinh tế, tổ chức thực hiện mô hình còn giúp Hội viên phát huy tinh thần tương thân tương ái chia sẻ hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tiếp cận với KHKT mới để áp dụng vào sản xuất đại trà nâng cao năng suất và chất lượng con nuôi, duy trì và phát triển, nhân rộng được giống bò cái tại địa phương trở thành sản phẩm hàng hóa, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đây là mô hình tiêu biểu của huyện Quan Sơn trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới. Mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản đã giúp nhiều hộ gia đình ở các xã miền núi có thêm sinh kế thoát nghèo. Giúp các gia đình gắn kết, tương trợ nhau trong cuộc sống. Các hộ tự làm chuồng bò, đổ bê tông nền, xây tường; vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua thêm bò, đầu tư máy, cải tạo vườn để phát triển kinh tế. Hiệu quả lớn nhất mà mô hình mang lại là tạo công ăn việc làm cho các hộ nghèo. Với lợi thế đất đai, nguồn cỏ dồi dào nên các hộ không tốn kém chi phí trong quá trình nuôi dưỡng và phát triển đàn bò thuận lợi.

a2(3).jpg
Bác Hà Thị Chia, bản Na Ố, xã Tam Thanh chăn thả đàn bò được nhân lên từ nguồn vốn vay qua Hội LHPN

Gặp bác Hà Thị Chai (SN 1958) bản Na Ố, xã Tam Thanh là mẹ chồng của chị Vi Thị Tiện một trong những hội viên được vay vốn mua bò cái sinh sản cho biết: Năm 2020, gia đình tôi được hỗ trợ vay vốn mua bò cái sinh sản. Gia đình tìm mua giống bò bản địa để thích nghi được với thổ nhưỡng và khí hậu. Từ con bò ban đầu được hỗ trợ vay vốn, đã sinh sản được 2 lứa cho thu nhập gần 30 triệu đồng. Vốn là gia đình hộ nghèo, quanh năm chỉ có mấy sào ruộng kết hợp với chặt luồng cũng không dư dả gì. May mắn được vay vốn mua bò, con cái vào rừng mưu sinh còn tôi có đàn bò chăn thả tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Theo báo cáo của UBND xã Tam Thanh, chăn nuôi trên địa bàn toàn xã phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Tổng đàn trâu của toàn xã là 207 con tăng 12 con so với đầu năm, đàn bò 768 con, đàn dê 98 con. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 36,41%, cận nghèo còn 30,76% giảm so với cùng kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan Sơn (Thanh Hóa): Hiệu quả từ mô hình vay vốn nuôi bò sinh sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO