Thiết bị, máy móc có tuổi đời không quá 10 năm
Điểm mới nhất của Thông tư là máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng tuổi thiết bị không quá 10 năm và đã được sản xuất phù hợp quy chuẩn Việt Nam hoặc tiêu chuẩn G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và môi trường.
Riêng với thiết bị đã qua sử dụng thuộc các dự án đầu tư, bao gồm dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng, thuộc các trường hợp sau: Dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư; Dự án thuộc diện phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư.
Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có thể lấy ý kiến thẩm định công nghệ của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ đối với thiết bị đã qua sử dụng trong hồ sơ dự án trước khi quyết định chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Ảnh: minh họa |
Hiện, vòng đời công nghệ thiết bị trung bình khoảng 7-10 năm tùy thuộc ngành, lĩnh vực. Thông tư không sử dụng tiêu chí chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu, thay vào đó áp dụng quy chuẩn khi sản xuất thiết bị. Theo nhiều chuyên gia, việc quy định rõ ràng số năm đã sử dụng của máy móc, thiết bị cũ là cần thiết và phù hợp. Quy định này nhằm hạn chế việc bỏ lọt máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ Trung Quốc kém chất lượng nhưng vẫn đáp ứng về thời gian dưới 10 năm.
Thủ tục nhập khẩu thông thoáng
Về thành phần hồ sơ, Thông tư quy định tách bách giữa hồ sơ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng và hồ sơ nhập khẩu linh kiện, phụ tùng, bộ phận thay thế đã qua sử dụng. Theo đó, hồ sơ nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng gồm: hồ sơ nhập khẩu theo quy định của Luật Hải quan; 01 bản sao chứng thực Quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo 01 bản chính Danh mục thiết bị đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu trong hồ sơ dự án…
Cũng theo các chuyên gia, thủ tục hải quan để nhập khẩu thiết bị, linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng được quy định "thông thoáng" hơn. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần đưa hồ sơ cho cơ quan hải quan, trong trường hợp chưa kịp chứng minh tuổi đời của thiết bị hoặc tiêu chuản kỹ thuật, hàng sẽ được đưa về bảo quản. Điều này tránh được tình trạng ách tắc tại cửa khẩu.
Đối với tổ chức giám định, Thông tư quy định gồm: Tổ chức giám định trong nước, đã đăng ký hoạt động theo Luật Thương mại, có chức năng giám định máy móc, thiết bị; Tổ chức giám định nước ngoài, đã đăng ký hoạt động theo luật pháp nước sở tại, nơi tổ chức giám định đăng ký hoạt động giám định, có chức năng giám định máy móc, thiết bị.
Việc Thông tư quy định tổ chức giám định hàng hóa theo yêu cầu Luật thương mại tức là sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức giám định trong và nước ngoài, miễn là đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật định. Quy định này sẽ mở rộng phạm vi về tổ chức giám định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập khẩu trong khâu giám định hồ sơ.
Mặc dù có nhiều điểm tiến bộ, nhưng, Thông tư mới đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam không cần quy định cụ thể về điều kiện khi nhập khẩu máy móc cũ. Bởi, đa số các nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan khi đưa nhà máy cũ vào hoạt động chỉ cần đảm bảo tiêu chí môi trường, an toàn lao động... Nếu không tuân thủ các tiêu chí nêu trên, nhà nước sẽ buộc doanh nghiệp đóng cửa nhà máy.
Phạm Oanh