(TN&MT) - Nằm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Phú Yên có bờ biển dài gần 190km, với ngư trường rộng lớn, nhiều tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, nhiều năm qua, việc quản lý hoạt động khai thác còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp phát triển. Chính vì vậy, tỉnh Phú Yên đã xác định Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện Quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Phú Yên đến năm 2020 định hướng đến 2025 là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cho động lực thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển.
Truyền thông, cộng đồng trách nhiệm
Có thể nói, ngành thủy sản Phú Yên đang dẫn đầu cả nước với sản lượng khai thác thủy sản gần 50.000 tấn/năm, trong đó nguồn cá ngừ đại dương đạt trên dưới 6.000 tấn/năm. Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá từng bước được đầu tư xây dựng với nhiều dự án phát triển hạ tầng, đáp ứng nhu cầu khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản. Với riêng nghề câu cá ngừ đại dương, ngư dân Phú Yên là những người khởi đầu trong cả nước và nghề này đã trở thành thế mạnh của ngành thủy sản của địa phương.
Tuy nhiên do công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của biển đảo còn hạn chế; chưa động viên cổ vũ kịp thời các nhân tố mới về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên vấn đề ô nhiễm môi trường ven biển, nguồn lợi thủy sản mất dần đang là vấn đề bức xúc đặt ra.
Trong hoạt động khai thác, tổ chức sản xuất còn đơn lẻ, chi phí sản xuất lớn, công tác hỗ trợ, cứu hộ, cứu nạn và bảo đảm an toàn trên biển gặp nhiều khó khăn. Nguồn lợi xa bờ, mùa vụ đánh bắt chưa được nghiên cứu để đưa ra kế hoạch đánh bắt cụ thể; hệ thống thông tin cứu hộ, cứu nạn phòng tránh bão cho tàu, thuyền nghề cá hoạt động trên biển còn thiếu, yếu. Hỗ trợ của Nhà nước về hệ thống thông tin liên lạc, về tổ chức hậu cần nghề cá, nhất là dịch vụ trên biển, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra.
Từ năm 2012 đến nay, nhờ triển khai hoạt động truyền thông quản lý tổng hợp vùng bờ cùng với hoạt động của Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững được triển khai tại Phú Yên với tổng mức đầu tư 12 triệu USD (tương đương hơn 257 tỉ đồng) đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ ở một số xã trọng điểm thực hiện dự án. Điển hình tại xã An Chấn, ban quản lý dự án đã thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ với 170 thành viên là ngư dân ở 2 thôn Mỹ Quang Bắc và Mỹ Quang Nam. Nội dung đồng quản lý hoạt động khai thác thủy sản ven bờ chủ yếu tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bộ quy tắc nghề cá có trách nhiệm và các văn bản pháp luật có liên quan, tăng cường năng lực quản lý và thực thi pháp luật. Đồng thời, tiến hành quy hoạch chi tiết phát triển nghề cá ven bờ, xây dựng thể chế và chính sách quản lý nghề cá ven bờ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, khắc phục ô nhiễm môi trường vùng ven biển…
Ngư dân Đoàn Văn Bốn ở thôn Mỹ Quang Bắc, xã An Chấn, cho biết: “Sau khi thành lập tổ, chúng tôi tiến hành xây dựng phương án phân khu vực khai thác, nuôi trồng, neo đậu tàu cá và khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hàng tháng, tổ chức thu gom rác thải và vệ sinh môi trường bờ biển, tham gia giám sát các hoạt động khai thác, nuôi trồng tại khu vực ven bờ, ngăn chặn kịp thời các hoạt động khai thác thủy sản bằng chất nổ, hóa chất và vận động ngư dân ở địa phương chuyển đổi sang những nghề khai thác thân thiện với môi trường”.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Phú Yên cho biết, kế hoạch đồng quản lý nghề cá ven bờ xã An Chấn được xây dựng dựa trên nguyện vọng và nhu cầu của ngư dân nhằm tổ chức khai thác hợp lý và bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Dự án còn tiếp tục lựa chọn các xã ven biển để triển khai hoat động hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị và tuyên truyền pháp luật biển đến năm 2015.
Tập trung cho chương trình biển đông, hải đảo
Nhận thấy rõ tác dụng của truyền thông nâng cao nhận thức cho cư dân biển kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thời gian tới, Phú Yên xác định sẽ tập trung nguồn lực cho việc xây dựng các chính sách, thể chế, trong đó dự kiến đầu tư khoảng trên 2 tỷ cho việc xây dựng hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ với nội dung chính là thực hiện tốt Chương trình Biển đông và Hải đảo ngành tài nguyên môi trường, trong đó có một số nhiệm vụ chủ yếu như: Tăng cường năng lực cho đội ngũ hoạt động quản lý tài nguyên biển, hải đảo; lập hệ thống khu bảo tồn cỏ biển, san hô tỉnh với việc khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt; xây dựng bản đồ địa hình đáy biển và vùng nối tiếp biển với đất liền; tiến hành điều tra, thăm dò khoáng sản ở vùng biển và ven biển tỉnh; xây dựng hệ thống các trạm và điểm quan trắc môi trường và cảnh báo thiên tai vùng ven biển; điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước trên các đảo.
Mặt khác, sẽ tập trung xây dựng hệ thống thông tin, tư liệu về TN&MT biển, hải đảo tỉnh Phú Yên với các hoạt động thu thập cơ sở dữ liệu về TN&MT vùng ven biển, vùng biển ven bờ và các đảo; tổng hợp, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu; tích hợp CSDL trên nền bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000. Tăng cường hoạt động điều tra, đánh giá các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường vùng ven biển tỉnh Phú Yên; đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ môi trường vùng ven biển và đề xuất hướng quản lý nguồn thải ở vùng ven biển…
Với địa thế là cửa ngõ hàng hải của nhiều tuyến giao thông huyết mạch, Phú Yên dự tính phối hợp với UBQG tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Trung tổ chức Hội nghị tập huấn công tác ứng phó sự cố tràn dầu cho cán bộ các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã. Đồng thời xây dựng Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Phú Yên và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Minh Thư