Quản lý tổng hợp vùng bờ: Giới thiệu mô hình quản lý 3 cấp

30/10/2014 00:00

(TN&MT) - Vừa qua, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Hội khoa học kỹ thuật biển đã giới thiệu mô hình gắn trách nhiệm từng cấp nhằm phát triển bền vững ở biển và...

(TN&MT) - Để có một mô hình các cấp hành chính lý tưởng cho hoạt động quản lý tổng hợp vùng bờ (QLTHVB), nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Hội khoa học kỹ thuật biển do GS Nguyễn Tác An chủ trì đã giới thiệu mô hình quản lý cụ thể, gắn trách nhiệm từng cấp nhằm đạt mục đích phát triển bền vững ở biển và vùng ven bờ, giảm thiểu những tác hại của thiên tai và duy trì các quá trình sinh thái chủ yếu, bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng, và đa dạng sinh học.
   
   
QLTH vùng biển: Nơi chồng chéo, chỗ bỏ không!
   
  Chương trình quản lý tổng hợp đới bờ biển (QLTHĐB) ra đời nhằm khắc phục những bất cập do phương thức quản lý đơn ngành, riêng rẽ đã tồn tại trong những năm vừa qua. Đề xuất những chính sách chỉ đạo quốc gia để duy trì đa dạng sinh học và năng suất của các loài và các hệ sinh thái biển ở Biển Đông. Việt Nam cũng đã chú trọng đưa những kiến thức sinh thái và sự hiểu biết về các hệ thống giá trị xã hội và văn hóa truyền thống vào quản lý đới bờ, đồng thời đưa các cộng đồng địa phương cùng  tham gia vào quá trình quản lý. Nhà nước Việt Nam cũng đã ban hành gần 50 văn bản khung pháp lý bảo vệ môi trường biển và phòng chống ô nhiễm biển. Một loạt chương trình trong nước và hợp tác quốc tế về QLTHĐB giữa Việt Nam với Thuỵ Điển, Ấn Độ, Hà Lan… đã được triển khai.
   
  Quản lý vùng ven bờ bao gồm biển, đảo và đất ven biển. Khoa học đã xác định 5 vùng chính trong đới bờ: Vùng nội địa, ảnh hưởng tới biển chủ yếu thông qua các con sông và các nguồn ô nhiễm không tập trung, phân tán; vùng đất ven bờ như đất ngập nước, đầm lầy, và tương tự, là nơi tập trung các hoạt động của con người và có ảnh hưởng trực tiếp tới vùng nước phụ cận; vùng nước ven bờ, là các cửa sông, đầm phá, và vùng nước nông – nơi chịu tác động lớn từ các hoạt động trên đất liền; vùng biển ngoài khơi, chủ yếu là vùng biển rộng tới 200 hải lý ngoài khơi nằm trong phạm vi chủ quyền của quốc gia. Việt Nam cũng phải nghĩ đến việc tham gia xem xét quản lý vùng biển sâu, nằm ngoài giới hạn quyền lực quốc gia.
   
  Mặc dù bản chất tự nhiên của 5 vùng gắn bó chặt chẽ với nhau, nhưng khó có thể hợp nhất các chế độ quản lý dọc của các vùng này vì tính chất sở hữu, mức độ quan tâm của Chính phủ, và các thể chế của địa phương rất khác nhau trong các vùng. Tính chất sở hữu trong vùng biển ven bờ, có đặc điểm là liên tục sở hữu: Ở vùng nội địa, sở hữu tư nhân chiếm ưu thế; ở vùng đất ven bờ, có sự pha trộn giữa sở hữu cá nhân và công cộng; và ở các vùng nước ven bờ và ngoài khơi, chủ yếu là sở hữu công cộng. Hiến pháp Việt Nam năm 1992 quy định Nhà nước thống nhất quản lý toàn bộ đất đai theo quy hoạch và pháp luật. Luật Đất đai giao cho chính quyền các tỉnh, thành phố trách nhiệm quản lý lãnh thổ thuộc ranh giới hành chính đã được xác định. Vì vậy trái với vùng đất liền, trên vùng biển, vấn đề ranh giới hành chính đang hoàn toàn để ngỏ. Các UBND tỉnh, thành phố vẫn có thẩm quyền nhất định, nhưng về mặt lý thuyết vùng biển là của chung, không có ranh giới như trên đất liền. Điều đó tạo muôn vàn khó khăn cho việc quản lý thống nhất vùng biển và ven bờ.
   
Đề xuất mô hình QLTHĐB ở Việt Nam
   
  Cũng như phần lớn các Chính phủ trên khắp thế giới, Nhà nước Việt Nam đã thừa hưởng những cấu trúc hành chính phản ánh mục tiêu quản lý theo từng ngành riêng rẽ. Các hệ thống quản lý dựa trên lợi ích của ngành, chỉ có sự tham gia của một cấp Chính phủ và không có sự tham gia thực chất với đầy đủ ý nghĩa của cộng đồng địa phương và những người, những thành phần có liên quan khác, thì không thể đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Mô hình quản lý riêng rẽ, đơn ngành thường kéo theo sự trì trệ, sự xung đột lợi ích giữa các thành phần kinh tế, xã hội khác nhau.
   
  Mô hình QLTHĐB nhằm đề xuất một khung thể chế có khả năng vận hành chương trình quản lý phát triển biển và vùng bờ của Việt Nam một cách bền vững. Cấu trúc tổ chức của mô hình gồm 3 thành phần: Đỉnh chiến lược, bộ mày hành chính và hạt nhân hoạt động. Về mặt thể chế, mô hình hoạt động dựa vào 3 cấp tương ứng: Trung ương, Tỉnh, Thành phố trực thuộc và Cơ sở. Vai trò của từng cấp được phân định rõ ràng: Cấp Trung ương: Đây là cơ quan quản lý quốc gia về biển và vùng ven biển, có nhiệm vụ chỉ đạo về QLTHĐB ở cấp cao nhất, đóng vai trò là “Đỉnh chiến lược” trong quá trình triển khai chương trình quản lý. Thành phần bao gồm các đại diện của chính quyền trung ương do một trong những chính khách có đầy đủ quyền lực phụ trách, điều hành. Nó được hỗ trợ bởi một văn phòng chuyên trách và một Hội đồng Tư vấn quốc gia về biển và vùng ven bờ là các chuyên gia có khả năng đóng góp ý kiến và sáng kiến trong việc xử lý các vấn đề chuyên môn và kỹ thuật. Cơ quan quản lý quốc gia về biển và vùng ven bờ sẽ chịu trách nhiệm trước chính phủ trong việc xem xét, thông qua những nguyên tắc, mục đích tổng thể, mục tiêu cụ thể và các chính sách của quá trình quản lý các vùng biển và đới bờ. Đặc biệt là cấp Trung ương phải xây dựng một “cơ chế phối hợp” hoàn hảo, khả thi, hiệu quả.
   
  Cấp Tỉnh và Thành phố trực thuộc: Đây chính là chức năng cơ quan chức năng, là “bộ máy hành chính” trong mô hình. Nhiệm vụ là hướng dẫn triển khai các chính sách, các hoạt động và quản lý tài chính của chương trình.
   
  Cấp Cơ sở: Cấp Cơ sở bao gồm đại diện chính quyền cấp quận, huyện, phường, xã, thôn...  Có vai trò là “hạt nhân điều hành” được tạo mọi điều kiện để triển khai các hoạt động cụ thể. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ xác định, đánh giá và giám sát những vấn đề tại địa phương; được đề xuất các ý kiến phản hồi lên các cấp cao hơn từ sự cân nhắc, xem xét quá trình quản lý nòng cốt và các mô hình tổ chức cụ thể.
   
Minh Thái
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tổng hợp vùng bờ: Giới thiệu mô hình quản lý 3 cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO