Quản lý tổng hợp vùng bờ Đà Nẵng: Đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển

18/11/2014 00:00

(TN&MT) - Thành phố biển Đà Nẵng có đầy đủ những thế mạnh để có thể phát triển một cách thịnh vượng, không thua kém bất kỳ một trung tâm kinh tế biển mạnh nào...

(TN&MT) - Quản lý tổng hợp vùng bờ là một phương thức quản lý Nhà nước hội đủ những tính năng ưu việt để giúp thành phố ven biển có thể phát triển nhanh, mạnh, bền vững nền kinh tế. Với mong muốn đóng góp một đề xuất thiết thực cho việc đưa ra những quyết định đúng đắn để Đà Nẵng trở thành một mẫu thành phố lý tưởng cho mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Quản lý Nhà nước đối với tài nguyên vùng bờ biển của thành phố Đà Nẵng”.
   
Tận dụng và điều chỉnh tiềm năng
   
  Mặc dù có đầy đủ những thế mạnh để thành phố biển Đà Nẵng có thể phát triển một cách thịnh vượng, không thua kém bất kỳ một trung tâm kinh tế biển mạnh nào trên thế giới. Tuy nhiên, tính đến nay giá trị đóng góp của kinh tế biển vào giá trị sản phẩm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng còn rất khiêm tốn. Mặt khác, tình trạng ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên biển và những tác động không mong muốn nảy sinh trong phát triển kinh tế biển đang có xu hướng gia tăng. 
   
  Theo kết quả điều tra cơ bản TNMT biển Đà Nẵng cho thấy, đây là địa phương có tài nguyên sinh vật biển dồi dào, khoáng sản phong phú, vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu ôn hòa song mới chỉ có 2 ngành kinh tế mũi nhọn phát triển đó là ngành thủy sản và du lịch. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về khai thác, nuôi trồng va dịch vụ thủy sản năm 2011 đạt 1580,74 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2005 và gần 5 lần so với năm 2000. Trong khi đó, tổng sản lượng khai thác thủy sản đạt 33.777 tấn (tôm + cá) và sản lượng nuôi trồng đạt 707 tấn. Sản lượng khai thác thủy sản đạt đỉnh vào năm 2007 (39477 tấn), sau đó sản lượng giảm nhanh (năm 2009 đạt 34943 tấn), và bước vào giai đoạn ổn định. 
   
   
Quản lý tổng hợp vùng bờ giúp thành phố ven biển phát triển bền vững nền kinh tế. Ảnh: MH
   
  Về du lịch trong 9 tháng đầu năm 2014, hơn 3 triệu lượt khách du lịch đến Đà Nẵng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó,khách quốc tế đạt 657.600 lượt (chiếm hơn 10,84% khách quốc tế của cả nước), tăng 18,4% so với cùng kỳ, doanh thu đạt 7.831,7 tỷ đồng.
   
  Tuy nhiên, cả 2 ngành kinh tế này cũng chưa thật sự tương xứng với tiềm năng của thành phố. Năm 2013, xét trên lĩnh vực thu hút khách du lịch, ngành du lịch thành phố chưa cạnh tranh được với một số địa phương trong vùng, chỉ đứng thứ 3 về tổng lượt khách thu hút và khách quốc tế. Cụ thể, tổng lượt khách du lịch Đà Nẵng là 3.117 triệu lượt khách, đứng sau Bình Thuận (3.525 triệu lượt khách) và Quảng Nam (3.400 triệu lượt khách). Về thu hút khách quốc tế, Đà Nẵng có 743.200 lượt khách, trong khi đó Quảng Nam đón 1,65 triệu lượt khách và Thừa Thiên Huế đón 927.828 lượt khách.
   
  Tình trạng khách du lịch trung chuyển qua Đà Nẵng để tiếp tục đi Huế hay vào Hội An, Nha Trang còn chiếm tỷ lệ cao. Đó là còn chưa kể, việc phát triển cảng cá và tập trung lớn số lượng tàu thuyền đánh bắt đang làm cho Đà Nẵng phải hứng chịu ô nhiễm nặng nề từ việc xả thải bừa bãi.
   
  Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều, song, tựu chung lại chính là do sự phát triển của hệ thống QLNN về tài nguyên ở Đà Nẵng không theo kịp mức độ phát triển của kinh tế - xã hội tại địa phương. Do sự chồng chéo về chức năng hoặc lĩnh vực quản lý quá rộng so với nhân lực của cơ quan phụ trách, do lực lượng quản lý yếu (chuyên môn và kinh nghiệm) và mỏng, cơ chế và chế tài pháp lý chưa hợp lý, dẫn đến công tác quản lý chưa được thực hiện một cách liên tục và hiệu quả chưa cao.
   
  Một số yếu tố khách quan và chủ quan khác về trình độ dân trí, về quan niệm sử dụng nguồn lợi tài nguyên lạc hậu cũng phần nào ảnh hưởng đến tính khả thi của quá trình quản lý. Chính vì vậy, việc xác định ngành kinh tế mũi nhọn cộng với việc đưa mục tiêu phát triển đa ngành, đa dạng sản phẩm với chiến lược tăng trưởng xanh cần được đưa vào  quy hoạch, kế hoạch cụ thể trong Chiến lược phát triển kinh tế XH của tỉnh với việc phân rõ trách nhiệm của các ngành trong việc điều phối và thực hiện đúng những hoạch định đã được phân cấp quản lý.
   
Thay đổi tư duy và nhận thức trong sử dụng tài nguyên 
   
  Để thực hiện tốt sự điều phối đã được xác định rõ trong quy hoạch, kế hoạch của địa phương thì vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chức năng có liên quan trực tiếp là Chi cục Biển và Hải đảo (Sở Tài nguyên và Môi trường) và Chi cục Khai thác và bảo về nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) là rất quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chế tài quản lý chưa đủ mạnh và phần quan trọng là nhận thức cũng người dân về hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản chưa cao. Những trở ngại đó đã làm giảm hiệu quả của quá trình quản lý tài nguyên vùng bờ và làm suy giảm nguồn lợi tự nhiên. Điều này được minh chứng bằng thực tế sản lượng khai thác thủy sản giảm mạnh từ năm 2007 đến nay mặc dù công suất của phương tiện đánh bắt được cải thiện đáng kể.
   
  Chính vì vậy, giải pháp căn bản nhất để có thể nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong hoạt động giám sát triển khai hoạt động kinh tế - xã hội vùng bờ là: Cần làm thay đổi tư duy và nhận thức trong sử dung tài nguyên của các cơ quan quản lý nhà nước thành phố Đà Nẵng đối với tài nguyên vùng bờ. 
   
  Thách thức lớn nhất và quan trọng nhất trong quá trình quản lý và phát triển kinh tế biển là tác động tiêu cực đến môi trường và nguồn lợi thủy sinh. Một cách tổng quát, tác động của các hoạt động phát triển kinh tế ở vùng ven bờ và trên biển được tổng hợp là phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng đến hệ hinh thái, trong đó phải kể đến tác động của ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái do khai thác bằng các hình thức hủy diệt.
   
  Qua đó, nâng cao tiềm lực quản lý tài nguyên vùng bờ biển của thành phố Đà Nẵng. Đồng thời hoàn thiện văn bản hướng dẫn người dân khai thác và bảo vệ tài nguyên vùng bờ; hoàn thiện bộ máy và cán bộ quản lý tài nguyên vùng bờ và nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ tài nguyên vùng bờ.
   
Dương Văn Thái
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tổng hợp vùng bờ Đà Nẵng: Đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO