Quản lý thiên tai tại Việt Nam: Những dấu mốc đáng nhớ trong cộng đồng quốc tế
(TN&MT) - Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Quản lý Thiên tai ASEAN 2023, đồng thời là Chủ tịch Ban Quản trị Trung tâm điều khối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA), Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động trong năm nhằm thúc đẩy hợp tác ASEAN trong quản lý thiên tai nói chung và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của trung tâm nói riêng.
Xoay quanh nội dung này, nhân dịp Việt Nam sẽ chủ trì phiên họp lần thứ 42 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) và các cuộc họp liên quan từ ngày 13 - 16/6 tại Đà Nẵng, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai.
PV: Xin Cục trưởng cho biết chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm” trong phòng chống thiên tai có ý nghĩa như thế nào?
Ông Phạm Đức Luận: “Hành động sớm”, tuy là một khái niệm tương đối mới đối với nước ta, nhưng về bản chất chính là các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai đã và đang triển khai, ví dụ như kiểm tra công trình an toàn, sơ tán dân, nâng cao nhận thức cho người dân về thiên tai và cách ứng phó.
Trước đó, năm 2022, chủ đề "Cảnh báo sớm, hành động sớm cho mọi người" cũng được thống nhất lựa chọn cho Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10/2022).
Trong công tác quản lý rủi ro thiên tai, “Hành động sớm dựa vào cảnh báo” là một phương pháp tiếp cận có những yếu tố mới trong quản lý rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu các tác động của thiên tai đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thông qua việc tiếp cận với các nguồn lực tài chính cho hành động sớm. Hiện tại, trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia đã triển khai các chương trình hành động sớm dựa trên cảnh báo.
PV: Thưa ông, cảnh báo sớm, hành động sớm đã góp phần thay đổi và tạo ra những hiệu quả gì trong phòng chống thiên tai những năm gần đây tại nước ta?
Ông Phạm Đức Luận: Nhờ cảnh báo và hành động sớm trong công tác phòng, chống thiên tai cũng như việc chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa được quy định tại Chiến lược Quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai đã đạt được những bước tiến đáng ghi nhận, đặc biệt trong việc giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, cụ thể trong 10 năm từ 2013-2022.
Thiệt hại về người giai đoạn 2018-2022 giảm 18% so với giai đoạn từ 2013-2017 (trung bình từ 244 người chết, mất tích/năm xuống 199 người chết, mất tích/năm). Thiệt hại về kinh tế giai đoạn 2018-2022 giảm 34% so với giai đoạn từ 2013-2017 (trung bình từ 27.695 tỷ đồng/năm xuống 18.324 tỷ đồng/năm).
Ngoài ra, nhờ việc chú trọng công tác thông báo cho tàu thuyền trên biển nên gần như ko có thiệt hại về người do bão trên biển.
PV: Sau 3 năm chịu ảnh hưởng của hình thái thời tiết La Nina, El Nino sẽ quay trở lại. Theo các chuyên gia khí tượng, El Nino có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu đến các quốc gia Đông Nam Á, khiến cho các đợt hạn hán, nắng nóng, cháy rừng tăng lên, mùa bão năm nay sẽ diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện nhiều cơn bão mạnh bất thường. Thưa Cục trưởng, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai?
Ông Phạm Đức Luận: ASEAN là khu vực dễ bị tổn thương trước các thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt, hạn hán, động đất và núi lửa phun trào… Theo thống kê từ năm 2012-2020, ít nhất 2.916 thảm họa, thiên tai đã xảy ra ở Đông Nam Á, trong đó có một số trận quy mô lớn như bão Bopha ở Phillipines năm 2012; bão Haiyan ở Phillipines năm 2013; động đất và sóng thần miền Trung Sulawesi ở Indonesia năm 2018, bão Mangkhut ở Philippines năm 2018 và bão Damrey ở Việt Nam năm 2017…
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai tại khu vực ASEAN, năm 2005, hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp (AADMER) đã được ký kết bởi các thành viên ASEAN, tiếp đó thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai vào năm 2011 với mục đích tăng cường việc hợp tác giữa các thành viên ASEAN trong phối hợp ứng phó với thiên tai trong khu vực, đồng thời phù hợp với tuyên bố Một ASEAN, Một Ứng phó.
Những nỗ lực trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai đã góp phần tăng cường khả năng chống chịu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các nước thành viên; đồng thời, với tinh thần đoàn kết, các nước ASEAN cũng cam kết hiện thực hóa tầm nhìn ASEAN để trở thành khu vực dẫn đầu toàn cầu về quản lý thiên tai thông qua trao đổi, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn; cũng như đóng góp vào các nỗ lực toàn cầu về ứng phó với rủi ro thiên tai.
PV: Xin ông cho biết, với vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, Việt Nam đã triển khai được các hoạt động gì trong năm, đặc biệt về đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro thiên tai?
Ông Phạm Đức Luận: Từ đầu năm đến nay, với vai trò là chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) năm 2023, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban thư ký ASEAN, trung tâm AHA, các đối tác ASEAN cùng với các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai và huy động các nguồn lực để thực hiện các hoạt động quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp trong năm.
Từ 12-20/2/2023 tại thành phố Đà Nẵng, trong khuôn khổ năm nhiệm kỳ chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm AHA tổ chức đào tạo Đội đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai ASEAN (ASEAN-ERAT) cho các cán bộ Phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN.
Đây là một trong những cơ chế hợp tác mang tính hành động thiết thực trong khu vực, ASEAN-ERAT được thành lập theo sự đồng thuận của 10 nước ASEAN để tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực của các nước thành viên, đảm bảo ứng phó nhanh, đồng bộ, thống nhất trong nội khối, phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực trong việc hỗ trợ nước thành viên bị ảnh hưởng bởi thảm họa, thiên tai.
Các thành viên của các đội ASEAN-ERAT luôn là nòng cốt trong các hoạt động cứu trợ, ví dụ như cứu trợ tại Myanmar sau bão MOCHA vừa qua.
Để chia sẻ kinh nghiệm phòng chống thiên tai cũng như các thành tựu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai với các nước trong khu vực, chúng tôi cũng đã lên kế hoạch tổ chức một số cuộc Hội thảo, Diễn đàn chuyên môn và thăm quan thực tế cho đại diện các cơ quan phòng chống thiên tai trong khu vực trọng điểm về phòng chống thiên tai, cũng như các công trình phòng chống thiên tai lớn, quan trọng tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Còn rất nhiều những công việc khác mà tôi khó có thể kể hết ở đây, tuy nhiên tôi khẳng định, năm 2023 sẽ là năm Việt Nam chúng ta để lại nhiều dấu mốc đáng nhớ trong mắt cộng đồng quốc tế trên lĩnh vực quản lý thiên tai.
PV: Xin ông chia sẻ về kỳ vọng của Chính phủ Việt Nam trong hợp tác ASEAN về phòng, chống thiên tai?
Ông Phạm Đức Luận: Năm 2023 là năm Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về quản lý thiên tai, do vậy, Việt Nam sẽ đóng vai trò là cầu nối hiệu quả, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa khối ASEAN với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về những giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết nhiều rủi ro cùng một lúc, huy động nguồn lực triển khai Chương trình công tác Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp giai đoạn 2021-2025 một cách đầy đủ, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng yêu cầu đề ra.
Tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” của Việt Nam trong hợp tác ASEAN nói chung sẽ tiếp tục được phát huy trong cả hợp tác về quản lý thiên tai. Việt Nam phấn đấu thể hiện vai trò dẫn dắt trong ASEAN không chỉ trên các lĩnh vực an ninh, kinh tế mà còn thể hiện trên phương diện văn hoá-xã hội, mà ở đây là đảm bảo an toàn cho cộng đồng trước thiên tai.
Đối với hợp tác ASEAN về phòng, chống thiên tai, Việt Nam mong muốn quan hệ, đối thoại và sự phối hợp với các nước ASEAN và các cơ quan, tổ chức khác trong công tác ứng phó với thiên tai, đặc biệt đối với các thiên tai lớn, ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực được tăng cường, hướng tới tuyên bố Một ASEAN, Một ứng phó.
Đồng thời, công tác chia sẻ nguồn lực, thông tin, kinh nghiệm về công tác phòng chống thiên tai giữa các nước trong khu vực ASEAN được nâng cao. Các hoạt động, hợp tác nghiên cứu về thiên tai giữa các nước thành viên ASEAN cũng như các đối tác được triển mạnh mẽ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về công tác phòng, chống thiên tai đối với tình hình thiên tai đang có diễn biến ngày càng phức tạp kể cả về phạm vi và cường độ trong khu vực.
Hơn nữa, việc huy động các nguồn lực từ nhiều nguồn khác nhau cho công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng được quan tâm, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu.
Bên cạnh đó, công tác phát triển nguồn nhân lực, cán bộ trong phòng, chống thiên tai được thúc đẩy, phù hợp với nhu cầu của các quốc gia thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ngoài ra, các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng được đầu tư, quan tâm đúng mức trong cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN, đảm bảo giảm thiểu rủi ro thiên tai gây ra, đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Đan (thực hiện)