Quản lý tài nguyên nước hướng về địa phương, cơ sở

28/12/2017 23:31

(TN&MT) - Chiều ngày 28/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018....

(TN&MT) - Chiều ngày 28/12, tại Hà Nội, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường  Trần Quý Kiên đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại Cục.
TK Nuoc 6
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2017

Báo cáo tổng kết công tác năm 2017, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết: Năm 2017, Cục quản lý tài nguyên nước đã quán triệt, tập trung theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ, Lãnh đạo Bộ; Việc trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành địa phương, giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên thực hiện. Lãnh đạo Cục đã chủ động tích cực chỉ đạo giải quyết và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đơn vị, cán bộ trong công tác chỉ đạo điều hành, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng và xả thải vào nguồn nước... Đối với các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Cục đã tích cực triển khai, xây dựng, hoàn thành đúng thời hạn đăng ký, bảo đảm tiến độ, chất lượng...

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cộng đồng về tài nguyên nước được thực hiện thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử  thông qua các hình thức xây dựng các phim, ảnh, băng đĩa các chương trình hỏi đáp, đối thoại, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự, tổ chức hội thảo tập huấn cho cơ quan, doanh nghiệp, người dân… để giải đáp pháp luật, trao đổi về những vấn đề quan trọng, cấp bách cần giải quyết trong quản lý tài nguyên nước, tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tài nguyên nước. 

Công tác thu, chi tài chính được thực hiện đúng quy định, đảm bảo tính công khai, minh bạch; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Việc mua sắm tài sản công được thực hiện chặt chẽ theo quy trình.

Đối với công tác hợp tác quốc tế, các hoạt động hợp tác đa phương và song phương trong khu vực và trên quốc tế đều được lãnh đạo Cục cũng như các cán bộ triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Cục Quản lý tài nguyên nước đã cử đại diện làm Trưởng nhóm công tác về nước của ASEAN tại Việt Nam; tham gia vào các hoạt động tham vấn, hợp tác sông Mê Công.

Bên cạnh đó, Cục cũng phối hợp tốt với các địa phương trong công tác quy hoạch tài nguyên nước; điều tra cơ bản tài nguyên nước và các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý nhà nước; triển khai các kế hoạch, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước...
TK Nuoc 5
Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy phát biểu tại Hội nghị tổng kết
Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, trong năm 2017, hoạt động của Cục vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do Thông tin, dữ liệu, số liệu điều tra, đánh giá, quan trắc tài nguyên nước còn thiếu, còn phân tán; Công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm do đây là một công việc mới, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và nguồn kinh phí bố trí cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu; Chế độ báo cáo, cung cấp dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước, về khai khác, sử dụng nước của các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân chưa được coi trọng; Chưa xác định được mục đích sử dụng nước, mục tiêu chất lượng nước; và chưa kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước trên các lưu vực sông quan trọng, các khu vực đô thị, vùng phát triển kinh tế trọng điểm. Hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị và các đoạn sông xung quanh thành phố và khu công nghiệp, việc kiểm soát chất lượng nước và ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn chưa được quan tâm thoả đáng; Nhận thức về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các cấp, các ngành và tổ chức, cộng đồng còn thấp dẫn tới việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở nước ta còn lãng phí và chưa đạt hiệu quả cả về mặt kinh tế và bảo vệ tài nguyên.

Năm 2018: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về tài nguyên nước
Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng nhấn mạnh, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, trong năm 2018, Cục sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước.

Tập trung xây dựng và hoàn thành Quy hoạch tài nguyên nước chung của cả nước; quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước.

Tập trung xây dựng để trình Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiểm kê tài nguyên nước quốc gia.

Chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra các tổ chức khai thác sử dụng nước lớn về việc tuân thủ giấy phép khai thác sử dụng và lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, kết nối trực tuyến về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT quy định việc giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
TK Nuoc 4
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh báo cáo tại Hội nghị
Tiếp tục rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.

Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là các quy định mới như: Ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả; lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; thu tiền cấp quyền khai thác TNN; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu. 

Đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn NDĐ ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện.... bằng công nghệ tự động, trực tuyến. 

Tập trung kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa; bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của 6 quốc gia trên lưu vực sông Mê Công và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế. 

Tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý TNN để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, trọng tâm là nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm cả kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi. Thành lập và sớm đưa vào hoạt động 05 Ủy ban LVS để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát, phối hợp thực hiện, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong khuôn khổ LVS, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN trên LVS. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất là tưới và thực hiện chính sách thu tiền khai thác nước ngầm để tưới cây theo quy định của Luật để chống lãng phí nguồn nước.

Quản lý tài nguyên nước hướng về địa phương, cơ sở
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thành tốt kế hoạch và các nhiệm vụ đột xuất trong năm 2017.

Thứ trưởng nhấn mạnh, năm 2017, Cục Quản lý tài nguyên nước đã hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nổi bật là công tác hoàn thiện thể chế pháp luật  và công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước. Cục đã thể hiện tinh thần tập trung cao trong chỉ đạo hoàn thiện các văn bản, Đề án Chính phủ giao. 

Bên cạnh đó, Cục cũng thực hiện nghiêm túc việc đổi mới và nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực quản lý tài nguyên nước; 

Thứ trưởng cũng tán thành 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp trong năm 2018 mà Cục Quản lý tài nguyên nước đưa ra đồng thời nhấn mạnh, hiện nay lĩnh vực tài nguyên nước được lãnh đạo các cấp, lãnh đạo Bộ hết sức quan tâm. Theo thứ trưởng, tài nguyên nước hiện là lĩnh vực hết sức "nóng" đặc biệt trong quản lý, cấp phép, khai thác sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước. Vì thế cần có chiến lược quản lý tài nguyên nước tổng thể và toàn diện.
 
ToanCanh
Quang cảnh Hội nghị
 
Để phát huy các kết quả đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước, Thứ trưởng đề nghị, trong năm 2018, Cục Quản lý tài nguyên nước cần tăng cường phối hợp, hướng dẫn các địa phương trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; chủ động đề xuất xây dựng quy hoạch tài nguyên nước tầm quốc gia và lưu vực sông; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra. “Cục Quản lý tài nguyên nước cần phát huy vai trò hơn nữa để gắn kết với các đơn vị trong Bộ về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Chính phủ, Bộ giao cho. Đồng thời, khẳng định được vai trò, tầm quan trong của lĩnh vực tài nguyên nước trong công cuộc xây dựng đất nước” - Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên nước hướng về địa phương, cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO