Quản lý tài nguyên, BVMT ở TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp): Hướng tới giảm nghèo bền vững

Bạch Thanh (thực hiện)| 17/03/2023 16:06

(TN&MT) - Thời gian qua, trong chiến lược phát triển kinh tế vùng biên của tỉnh Đồng Tháp, TP. Hồng Ngự đã tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) xung quanh nội dung này.

hong-ngu-1.jpg
Ông Lê Hà Luân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồng Ngự

PV: Xin ông cho biết đôi nét về những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của TP. Hồng Ngự trong thời gian qua và những định hướng sắp tới?

Ông Lê Hà Luân:

Thời gian qua, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồng Ngự đạt được nhiều kết quả quan trọng, như: tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2022 tăng hơn 1,75 lần so với năm 2015; chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt; cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt kết quả tích cực.

Đặc biệt, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Đề án phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh trật tự tại các xã biên giới; Chương trình 135 cũng đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồng Ngự, ổn định cơ bản về nơi định cư cho người dân địa phương, bảo đảm quốc phòng - an ninh tại khu vực biên giới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Hệ thống hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Các cơ chế, chính sách phát triển biên giới của Trung ương và địa phương thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh và mang lại hiệu quả khả quan.

Thành phố cũng xác định lấy tiêu chí đô thị loại II làm tiêu chuẩn để nỗ lực phấn đấu xây dựng phát triển đô thị và thu hút đầu tư. Do đó, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, các dự án dân cư, thương mại - dịch vụ, y tế, giáo dục, các công trình công cộng được hình thành với quy mô tương đối lớn.

Hiện tại, TP. Hồng Ngự đã và đang tập trung hoàn thành Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phân khu để thực hiện các quy hoạch chi tiết về phát triển đô thị, không gian đô thị, phát triển thương mại - dịch vụ - công nghiệp và phát triển kinh tế biên giới, đặc biệt là xây dựng Cửa khẩu Mộc Rá - Á Đôn, tạo điều kiện cho người dân địa phương và doanh nghiệp trao đổi mua bán được thuận lợi nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

hong-ngu-2.jpg
Người dân địa phương tham gia hoạt động thả cá về môi trường tự nhiên, giúp tái tạo nguồn lợi thuỷ sản

PV: Là thủ phủ cá tra của vùng ĐBSCL, địa phương có kế hoạch nào để bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ nguồn tài nguyên nước trong hoạt động nuôi trồng thủy sản?

Ông Lê Hà Luân:

Trên địa bàn TP. Hồng Ngự hiện có 02 vùng nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu và 02 vùng nuôi cá giống theo quy hoạch của UBND tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, người dân địa phương đã đào ao nuôi cá, tổng diện tích mặt nước khoảng 194ha. Với diện tích nuôi này, lượng nước thải, bùn thải phát sinh trong quá trình nuôi là khá lớn.

Do vậy, đối với những hộ dân đào ao bắt buộc phải có ao chứa bùn và ao chứa, xử lý nước thải, Thành phố giao UBND cấp xã chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát việc đào ao của hộ dân. Với những hộ nuôi trước khi có quy hoạch nuôi trồng thủy sản, ngành chuyên môn hướng dẫn, yêu cầu người nuôi mua đất để bố trí các hạng mục xử lý chất thải theo quy định; đồng thời, yêu cầu các hộ dân thường xuyên sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước tại ao nuôi và ao xử lý nước.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ nguồn nước trong hoạt động nuôi trồng thủy sản phục sản xuất, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, Thành phố tiếp tục kiểm tra, yêu cầu người nuôi thực hiện tốt các biện pháp xử lý bùn, nước thải theo quy định về nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường; thực hiện giám sát thường xuyên chất lượng nước thải các vùng nuôi thủy sản để theo dõi chất lượng nước thải ra môi trường. Về lâu dài, cần quy hoạch hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở phía sau các vùng nuôi nhằm liên kết ao xử lý nước của các hộ nuôi để xử lý đảm bảo quy định trước khi xả thải ra môi trường.

hing-ngu-3.jpg
TP. Hồng Ngự tăng cường quản lý, bảo về nguồn tài nguyên nước trong hoạt động nuôi trồng thủy sản

PV: TP. Hồng Ngự sẽ có giải pháp gì để quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - hội, giúp giảm nghèo bền vững, thưa ông?

Ông Lê Hà Luân:

Hiện nay, các nguồn tài nguyên của TP. Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chủ yếu là tài nguyên khoáng sản - cát sông và tài nguyên nước. Trên địa bàn Thành phố hiện không có mỏ cát được cấp phép khai thác. Các cơ quan, đơn vị của địa phương đã và đang thực hiện giám sát, theo dõi hoạt động khai thác cát sông trên sông Tiền, nhất là bảo vệ nguồn cát chưa khai thác theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp.

Về tài nguyên nước, Thành phố đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh Đồng Tháp, không để phát sinh giếng khoan khai thác nước ngầm và trám lấp tất cả giếng khoan không còn sử dụng, không đúng quy định. Tổ chức cắm 342 mốc bảo vệ hành lang nguồn nước mặt, chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND các xã, phường quản lý chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trong phạm vi hành lang nguồn nước.

Thời gian tới, để quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên nước, nhất là nguồn nước mặt, TP. Hồng Ngự sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu dân cư tập trung. Trong đó, Thành phố sẽ đầu tư các công trình xử lý nước thải khu dân cư tập trung; kiểm tra hoạt động xả nước thải từ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và các hộ chăn nuôi, trồng thủy sản.

Bên cạnh, tiếp tục tăng cường phổ biến đến người nông dân trồng lúa, hộ nuôi cá về việc tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả nguồn nước mặt, không sử dụng hóa chất gây ô nhiễm nguồn nước, xử lý nước thải trước khi thải ra bên ngoài, nhằm đảm bảo sức chịu tải môi trường tự nhiên. Đồng thời, triển khai kế hoạch di dời người dân sinh sống trên ven sông, kênh rạch lên các khu định cư an toàn, cùng với đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án kè chống sói lỡ trên địa bàn.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên nước, nhất là bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn thành phố; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; cùng với đó là tập trung đổi mới tư duy sản xuất, tạo việc làm ổn định, giúp người dân nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý tài nguyên, BVMT ở TP. Hồng Ngự (Đồng Tháp): Hướng tới giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO