Xã hội

Quản lý "sức khỏe" đất hướng tới trồng trọt bền vững

Thúy Nhi 16/07/2024 - 17:46

Thống kê cho thấy, 70% diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam nằm trên địa hình đồi núi dốc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng.

Theo thống kê, tại Việt Nam, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thuộc loại thấp nhất trên thế giới, chỉ 0,25ha. Trong khi bình quân trên thế giới là 0,52ha, bình quân trong khu vực là 0,36ha. Không những thế, sức khỏe đất cũng đang gặp phải nhiều vấn đề cần xử lý. Phần lớn các nhóm đất Việt Nam là các nhóm đất có vấn đề. 70% diện tích đất nằm trên địa hình đồi núi dốc nên dễ bị xói mòn, rửa trôi dẫn đến mất các chất dinh dưỡng, đất thường chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng.

Tình trạng suy thoái với nguy cơ sa mạc hóa diễn ra nhanh và ảnh hưởng nặng nề nhất tại 3 khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Miền Trung cũng là khu vực có nhiều đất đai có hiện tượng thoái hóa trên tiến trình trở thành hoang mạc cằn cỗi.

Ngoài ra, do chủ yếu canh tác lúa nước nên xảy ra hiện tượng rửa trôi dinh dưỡng. Với những vùng thâm canh, hiện tượng canh tác quá nhiều thường gây ra suy thoái và kiệt quệ dinh dưỡng.

1.jpg
Cải tạo đất tại Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Thanh Giang

Tình trạng thoái hóa đất cũng đang trở nên đáng báo động cả với loại hình thoái hóa tự nhiên (hoang mạc đá, hoang mạc đất khô cằn, hoang mạc cát, hoang mạc đất nhiễm mặn và hoang mạc đất nhiễm phèn) và thoái hóa do tác động của con người (thâm canh, tăng vụ hoặc cơ giới hóa đồng ruộng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phá rừng, đốt rừng hay xây dựng các hồ chứa, các công trình thủy điện).

Không chỉ vậy, ô nhiễm đất do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cũng đã góp phần tiêu diệt hệ sinh vật có ích trong đất, làm giảm độ tơi xốp, giảm khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây trồng, từ đó làm ảnh hưởng "sức khỏe" đất và cây trồng.

Tuy nhiên, công tác quản lý "sức khỏe" đất vẫn còn nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Các quy định pháp luật mới tập trung hướng dẫn đối với đất trồng lúa mà chưa quan tâm đến các loại cây trồng khác. Việc đánh giá về thoái hóa đất, chất lượng đất, ô nhiễm môi trường đất, tiềm năng đất đai, phân hạng đất đai vốn có liên quan chặt chẽ đến sức khỏe đất mới chỉ được triển khai để phục vụ công tác quy hoạch và quản lý đất đai, chưa phản ánh thực trạng chất lượng đất, sức khỏe đất để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Việc chuẩn đoán, đánh giá hiện trạng sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng chưa được thực hiện thường xuyên, thiếu đồng bộ. Nhận thức về sức khỏe đất chưa được quan tâm đúng mức; chưa được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng. Công tác nghiên cứu khoa học về sức khỏe đất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe đất chưa được thực sự quan tâm.

Để giải quyết những tồn tại nêu trên và nhằm góp phần cải thiện sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững, tại Hội nghị “Hiện trạng và định hướng quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây tại TP. HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương, các hiệp hội, tổ chức cá nhân có liên quan gồm: Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, Các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Các Hiệp hội, doanh nghiệp… tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ để giải quyết vấn đề này.

Trong đó, Cục Trồng trọt xây dựng và trình Bộ ban hành Chỉ thị về quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững; Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan rà soát, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, hoàn thiện các quy trình canh tác phù hợp với từng loại đất trên cơ sở sử dụng hợp lý vật tư đầu vào, quy trình duy trì, bảo vệ, cải tạo và nâng cao độ phì của đất.

Đặc biệt quan tâm hoàn thiện các biện pháp quản lý và quy trình sản xuất hợp lý trên các vùng đất “có vấn đề”: Đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa.

Bên cạnh đó, thực hiện thí điểm xây dựng mạng lưới cán bộ kỹ thuật làm công tác phổ biến, hướng dẫn các phương pháp đánh giá chất lượng đất tại một số vùng thâm canh chính, giúp người sử dụng đất tìm ra quy trình/giải pháp kỹ thuật chống thoái hóa đất, nâng cao sức khỏe đất và sử dụng dinh dưỡng cây trồng hiệu quả trong từng điều kiện canh tác cụ thể. Xây dựng kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương về nâng cao sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.

Riêng với các đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhiệm vụ chủ động triển khai và báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực để xây dựng các chương trình, đề án, dự án về quản lý, nâng cao sức khỏe đất phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương.

Lồng ghép các chỉ tiêu về tăng cường sức khỏe đất vào các bộ chỉ tiêu phát triển tại địa phương để có cơ chế rà soát, đánh giá hàng năm; tổ chức đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chuyên môn về sức khỏe đất, đặc biệt đối với đối tượng là cán bộ kỹ thuật tại địa phương; hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng; quản lý chặt chẽ và thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý "sức khỏe" đất hướng tới trồng trọt bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO