(TN&MT) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp (CCN) từ Sở Công Thương cho Sở Xây dựng. Động thái này nhằm thực hiện quyết tâm đến 2020, đạt mục tiêu 100% CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Xây dựng hệ thống xử lý nước thải còn chậm.
Hà Nội hiện có 43 CCN đi vào hoạt động ổn định, trong đó, có 9 cụm đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chỉ 4 cụm xử lý nước thải tốt; 15 cụm đã được đầu tư theo "Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2015"; số CCN còn lại các cụm do không có nước thải, hoặc nước thải quá ít nên chưa phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải.
Tuy vậy, ngay cả với các KCN - CCN đã có hệ thống xử lý nước thải, môi trường vẫn ô nhiễm nghiêm trọng do tỷ lệ nước thải tại các CCN này được xử lý đạt thấp. Chẳng hạn, với KCN Thạch Thất - Quốc Oai, nhà máy xử lý nước thải có công suất xử lý 1.500m3/ngày đêm, trong khi lượng nước thải của cả KCN luôn ở mức hơn 10.000m3/ngày đêm. Hơn 8.500m3 nước thải mỗi ngày còn lại không được xử lý sẽ xả đi đâu nếu không phải là trực tiếp ra môi trường?
Nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: MH |
Trước đây, UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương phối hợp với các Sở, ngành liên quan lập đề án đầu tư xây dựng hệ thống XLNTTT tại các KCN - CCN trên địa bàn giai đoạn năm 2012 - 2015. Mục tiêu của đề án này là đến năm 2015 và những năm tiếp theo, 100% CCN đã hoạt động ổn định có hệ thống XLNTTT đạt tiêu chuẩn. Trong đó, năm 2014, thực hiện 18 CCN với tổng vốn đầu tư hơn 83 tỷ đồng; năm 2015, thực hiện 20 CCN với tổng vốn đầu tư khoảng 105 tỷ đồng. Đề án cũng chỉ rõ, với 27 CCN không còn quỹ đất xây dựng hệ thống XLNTTT cần lập phương án điều chỉnh quy hoạch để có diện tích bố trí trạm XLNT. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, 100% CCN có khu xử lý nước thải tập trung.
Tuy vậy, theo báo cáo mới đây của Sở Công Thương, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2014 - 2015 còn chậm so với lộ trình. Nguyên nhân thiếu quỹ đất, việc bổ sung quy hoạch phải xin ý kiến nhiều ngành liên quan, kéo dài thời gian; khó khăn về thu hồi đất, đền bù GPMB; năng lực các đơn vị tư vấn để lập hồ sơ dự án còn hạn chế, kéo dài thời gian. Đặc biệt, một số dự án cho UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư, ngân sách khó khăn, bố trí vốn đối ứng, nên dự án triển khai chậm.
“Đổi chủ” để tăng tốc
Để xảy ra tình trạng này không thể không nhắc đến vai trò quản lý Nhà nước của các Sở, ngành liên quan, mà ở đây là các Sở TN&MT, Sở Công Thương, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội. Sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho đến nay, hàng chục CCN sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn không có nhà máy XLNTTT, hàng chục CCN trong quy hoạch còn "quên" hạng mục lẽ ra cần phải có này.
Đã đến lúc xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp cần một người chủ mới để tăng tốc cán đích, đến năm 2020, 100% CCN có khu xử lý nước thải tập trung. Vì vậy, ngày 22/8 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này từ Sở Công Thương sang Sở Xây dựng; Giao Phó Chủ tịch phụ trách khối thành lập Đoàn kiểm tra, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các khu công nghiệp về thực tiễn sản xuất, xả thải, quỹ đất... từ đó, lên phương án xây dựng khu xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, ông Chung cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý và vận hành; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý, nhằm quyết tâm đến 2020 đạt mục tiêu 100% CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Tuy vậy, theo các chuyên gia môi trường, cũng cần phải có những động thái quyết liệt hơn nữa với các doanh nghiệp. Đối với các CCN có lượng nước thải ít, yêu cầu doanh nghiệp không mở rộng ngành nghề sản xuất mới có xả thải; còn lượng thải cũ, cần xử lý cục bộ và thành phố có hỗ trợ. Sau đầu tư, thành phố nên giao cho doanh nghiệp quản lý, vận hành, tránh giao cho Sở, ngành, quận, huyện quản lý, sẽ lại trì trệ, thất thoát, không hiệu quả. Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh nhấn mạnh: “Thành phố phải quyết liệt chỉ đạo yêu cầu các doanh nghiệp phải lo xử lý bên trong trước khi xả thải, thành phố chỉ xử lý khu tập trung bên ngoài, nếu không tuân thủ sẽ có biện pháp xử lý ngừng sản xuất, đóng cửa doanh nghiệp”.
K. Vinh