Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo hai địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước |
Đó là nội dung thảo luận tại Hội thảo chuyên đề Phát triển thủy điện bền vững gắn với Quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Chương trình Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) tổ chức vào ngày 27/10 tại TP. Hội An.
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là hệ thống sông lớn ở vùng duyên hải Trung Trung Bộ chủ yếu thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là nguồn nước cung cấp quan trọng nhất cho nhu cầu phát triển dân sinh, kinh tế của tỉnh Quảng Nam và TP. Đà Nẵng. Đồng thời với lợi thế địa hình dốc, có nhiều ghềnh thác, lại nằm trong vùng có mưa lớn, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn được đánh giá là lưu vực có tiềm năng phát triển thủy điện.
Theo TS Quách Thị Xuân, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có 10 thủy điện lớn với tổng công suất lắp máy 1.279 Mw. Sự phát triển thiếu bền vững các nhà máy thủy điện với mật độ dày trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đã phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, phá hủy hệ sinh thái, sinh cảnh của khu vực thượng và trung lưu vực sông, giảm phần lớn lượng phù sa và dinh dưỡng đưa xuống hạ lưu, làm mất cân bằng sinh thái và động lực dòng sông và vùng cửa sông. Điều này gây ra những thay đổi, làm tăng khả năng lũ lụt vào mùa mưa và thiếu nước mùa khô. Ngoài ra, còn làm giảm phù du và thức ăn cho cá, cũng như cản trở sự di cư của cá ra sông và biển, tăng nguy cơ xói lở bờ biển, nghẽn bùn ở cửa sông, cửa biển…
Thủy điện ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn đang phát triển thiếu bền vững |
Thủy điện được xây dựng kéo theo nhiều cung đường đi vào rừng hình thành đã tạo điều kiện cho nạn phá rừng đầu nguồn, khai thác vàng sa khoáng và cát sỏi trái phép trên lưu vực sông gia tăng. Đây cũng là những tác nhân gây nên sự suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, gây biến đổi dòng chảy, xói lở bờ sông. Do phá rừng, rừng bị suy giảm chất lượng nên mùa lũ nước về nhanh hơn, thay đổi chế độ thủy văn, dẫn đến việc mất đi những hệ sinh thái giàu có trên lưu vực…
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, thời gian qua, các hoạt động phát triển kinh tế cùng với cách tiếp cận quản lý tài nguyên nước hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn chưa hoàn toàn phù hợp với lưu vực sông và vùng bờ Quảng Nam, Đà Nẵng. Đây chính là nhân tố làm suy giảm chức năng và sự sống của lưu vực, là yếu tố trở ngại cho phát triển kinh tế - xã hội của cả 2 địa phương trong tương lai.
Tại Hội thảo, Thạc sĩ Ngô Thị Thanh Nga- Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 18 công trình thủy điện đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Vấn đề đặt ra làm sao để các công trình thủy điện vừa góp phần cung cấp an ninh năng lượng bền vững vừa đảm bảo môi trường bền vững. Thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu GIS thủy điện quốc gia và năng cao năng lực cho các chủ hồ chứa trong vận hành, bảo trì cơ sở dữ liệu đã được xây dựng giúp quản lý phát triển thủy điện. Đồng thời, các quy hoạch về thủy điện sẽ phát triển đồng nhất với các quy hoạch của năng lượng tái tạo khác, như sinh khối, gió và mặt trời tại Việt Nam. Dự án sẽ góp phần trợ giúp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cung cấp điện với chi phí thấp nhất lên lưới điện quốc gia trên cơ sở hiệu quả về kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững xã hội và môi trường.
Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ở Cửa Đại có nguyên nhân từ các hoạt động ở thượng nguồn |
Ông Peter Funegars- Cố vấn cấp cao đến từ Thụy Điển cho rằng để hạn chế tác động tiêu cực do thủy điện gây ra đối với môi trường, Việt Nam cần phát triển thủy điện đa mục tiêu. Trong quá trình thực hiện cần ưu tiên yếu tố môi trường với sự tham vấn của các bên liên quan, đặc biệt là có sự tham gia của cộng đồng. Ông Peter đề xuất Việt Nam cần áp dụng bộ công cụ đánh giá tính bền vững của thủy điện với 20 tiêu chí như tác động môi trường, xã hội, đa dạng sinh học…
Lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ hội tụ các đặc trưng cơ bản, được các chuyên gia của IUCN và MFF chọn làm trường hợp nghiên cứu điển hình ở Việt Nam và thử nghiệm cơ chế phối hợp liên tỉnh trong quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ. Nếu những chương trình trên được thực hiện tốt thì đây sẽ là những mô hình nên nhân rộng cho các lưu vực sông ngòi khác có điều kiện tương tự ở nước ta.
Bài & ảnh:Lan Anh