Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trò chuyện với ông Lại Hồng Thanh (ảnh) - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết, việc xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 10-NQ/TW như thế nào?
Ông Lại Hồng Thanh: Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (thay thế Nghị quyết số 02-NQ/TW). Đây là cơ sở chính trị quan trọng và là định hướng để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản thời gian tới. Thể chế hóa quan điểm, định hướng của Nghị quyết số 10-NQ/TW, trong hồ sơ xây dựng dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Bộ TN&MT đã đề xuất tên gọi mới là Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó, thể chế hóa các định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản.
Cụ thể, quy định quản lý công tác điều tra cơ bản địa chất, tài nguyên địa chất (tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất); các điều kiện địa chất khác; quy định quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu địa chất; quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
Ngoài ra, hoàn thiện quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép hoạt động khoáng sản đối với khoáng sản làm vật liêu xây dựng thông thường (VLXDTT) phù hợp với thực tế, nhất là cấp phép cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình trọng điểm quốc gia; hoàn thiện cơ chế quản lý theo nguyên tắc thị trường; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch; rà soát, sửa đổi đồng bộ với quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan đến khoáng sản đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới thời gian qua.
PV: Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, điều tra cơ bản địa chất là hoạt động được thực hiện cùng với điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và phải được quản lý tập trung, thống nhất. Vấn đề này được thể chế hóa trong Luật Khoáng sản (sửa đổi) như thế nào để thể hiện rõ tính đồng bộ của địa chất và khoáng sản trong Luật, thưa ông?
Ông Lại Hồng Thanh: Thể chế hóa quan điểm, định hướng hoàn thiện quy định đối với công tác điều tra cơ bản địa chất trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ TN&MT đã đề xuất các nội dung bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản (sửa đổi).
Cụ thể, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung quy định việc điều tra cơ bản địa chất; bảo vệ tài nguyên địa chất; quản lý Nhà nước về địa chất vào phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản (sửa đổi). Theo đó, đã đề xuất 1 Chính sách riêng về tài nguyên địa chất, khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; thông tin, dữ liệu địa chất, khoáng sản. Ngoài ra, đề xuất hoàn thiện Chính sách về bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản.
Trên cơ sở đó, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung mới quy định làm rõ “tài nguyên địa chất” gồm: Tài nguyên khoáng sản; tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo…) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn thiên nhiên, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và các ngành kinh tế khác; quy định quản lý tập trung, thống nhất thông tin, dữ liệu địa chất nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời cho các ngành, địa phương, chuyển đổi số để xây dựng “cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất, khoáng sản”.
Bên cạnh đó, hoàn thiện quy định về điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đảm bảo thực hiện các dự án đúng tiến độ đáp ứng yêu cầu thăm dò, khai thác trong từng giai đoạn theo Quy hoạch khoáng sản đã phê duyệt, đồng thời dự trữ khoáng sản để phát triển ổn định, lâu dài; Trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về địa chất trong việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn trong điều tra cơ bản địa chất.
Theo đó, Luật Khoáng sản (sửa đổi) đã bổ sung Chương III với đầy đủ quy định làm rõ nội hàm công tác điều tra cơ bản địa chất, gồm: Điều tra cơ bản tài nguyên vị thế, di sản địa chất, công viên địa chất; Điều tra địa chất tai biến, địa chất môi trường; Địa chất công trình, địa chất đô thị; Điều kiện địa chất khác nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm về công tác điều tra địa chất của Nghị quyết số 10-NQ/TW. Đồng thời, bổ sung quy định bảo vệ tài nguyên địa chất bên cạnh việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại Chương II; Các quy định về chiến lược, quy hoạch địa chất, khoáng sản.
PV: Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, nguồn ngân sách thu được từ tài nguyên khoáng sản cần được ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Theo ông, nội dung này được thể chế vào Luật Khoáng sản (sửa đổi) như thế nào để người dân được hưởng lợi nhất như Nghị quyết 10 đưa ra?
Ông Lại Hồng Thanh: Hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, hài hòa lợi ích giữa “Nhà nước - Người dân - Doanh nghiệp” là quan điểm, chính sách xuyên suốt từ Luật Khoáng sản năm 1996 (sửa đổi, bổ sung năm 2005) và Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, việc thể chế hóa thành chính sách, quy định trên có tính khả thi còn hạn chế. Do đó, Nghị quyết số 10-NQ/TW đã định hướng rà soát, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản; việc tái đầu tư nguồn thu từ khai thác khoáng sản để đầu tư phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... cho địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản.
Theo đó, nội dung hoàn thiện chính sách quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản đã được nêu cụ thể trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi); đã quy định cụ thể về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, trong đó, cơ bản giữ nguyên quy định hiện hành về: Quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, đồng thời, quy định trõ hơn việc tái đầu tư nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản để hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật nhằm an sinh xã hội cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác; Quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo công ăn việc làm... đối với địa phương và người dân bị ảnh hưởng trực tiếp.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!